Phòng chống dịch bệnh Sởi, Sốt xuất huyết: Quyết liệt, không chủ quan (19:13 14/05/2019)


HNP - Chiều 14/5, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng chống dịch bệnh Sởi, Sốt xuất huyết trên địa bàn. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã. 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận Hội nghị


Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, dịch bệnh Sởi đang có xu hướng tăng nhanh tại một số tỉnh, thành trong cả nước. Trên địa bàn Thành phố, từ ngày 01/01/2019 đến 12/5/2019, đã ghi nhận 1.193 trường hợp mắc Sởi, bệnh nhân mắc rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 377/584 xã, phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong. Trong số 1.193 trường hợp mắc Sởi đã có 1.136 ca đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 57 trường hợp đang điều trị. Số mắc bệnh Sởi tuyệt đối của Hà Nội đứng thứ 2 cả nước (sau TP HCM), số mắc tính theo tỷ lệ/100.000 dân là 13,2 (đứng thứ 5 cả nước sau Quảng Ninh, Đăk Nông, Đà Nẵng, Điện Biên). Một số quận, huyện của Hà Nội có số mắc cao như Hoàng Mai (159), Thanh Xuân (78), Nam Từ Liêm (77), Hà Đông (66), Đống Đa (59), Ba Đình (56), Thanh Trì (55), Hai Bà Trưng (54), Đông Anh (50).
 
Về tình hình bệnh Sốt xuất huyết (XSH), toàn Thành phố ghi nhận 224 trường hợp mắc, bệnh nhân mắc rải rác tại 29/30 quận, huyện, thị xã, 125 xã phường, thị trấn, không có ổ dịch lớn và chưa có ca bệnh tử vong. Trong số 224 trường hợp mắc có 214 trường hợp đã khỏi bệnh, hiện chỉ có 10 trường hợp đang điều trị. Số mắc giảm so với trung bình cùng kỳ 5 năm và đặc biệt giảm mạnh so với năm có dịch lớn 2017. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân như Cầu Giấy (27 trường hợp), Đống Đa (24 trường hợp), Hoàng Mai (18 trường hợp), Hai Bà Trưng (14 trường hợp),…
 
Trước diễn biến của dịch bệnh, Thành ủy, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh Sởi, SXH trên địa bàn; kế hoạch hoạch tiêm bổ sung vắc xin Sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP đã chủ trì hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Sởi và SXH, quán triệt các đơn vị cần tập trung quyết liệt cho công tác phòng chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn TP.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, để chủ động trong công tác phòng chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP và Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn (kể các các bệnh viện tuyến Trung ương) giám sát các ca bệnh truyền nhiễm, khi phát hiện có người mắc bệnh đã tổ chức ngay việc khoanh vùng, điều tra xử lý dịch tại cộng đồng theo đúng quy định. Vì vậy, hầu hết các ca bệnh đều được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không xuất hiện ca bệnh thứ phát và ổ dịch lớn.
 
Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan đã tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã triển khai tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy. Đến ngày 12/5, tất cả các đơn vị đã tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống SXH và hoàn thành chiến dịch đợt 1, tổ chức được 584 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, huy động 67.855 lượt người tham gia; 1.555.496/1.629.169 lượt hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy đạt 95,5%; 10.689 khu vực khác nhau được kiểm tra, đạt 97,8%. Kiểm tra 2.754.017 dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, công trường… trong đó phát hiện được 131.271 dụng cụ chứa nước có bọ gậy và đã xử lý loại trừ ổ bọ gậy đạt tỷ lệ 99%,...
 
Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác giám sát, chuẩn đoán, điều trị các loại dịch bệnh, đăc biệt là bệnh Sởi và SXH. Cùng với đó, việc tổ chức tốt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn toàn TP trong tháng 11, 12/2018 và tiêm vét trong tháng 1,2/2019 (đạt 97,36%) đã góp phần giảm trường hợp mắc trong nhóm độ tuổi này.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Sởi và SXH còn một số khó khăn do Hà Nội là Thành phố có sự di biến động dân cư lớn, người dân ngoại tỉnh đến sinh sống, làm việc nhiều dẫn đến việc khó khăn trong công tác thống kê, quản lý đối tượng. Bên cạnh đó, một số bậc phụ huynh không cho con đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo quy định (do trẻ bị ốm hoặc do gia đình lo ngại các phản ứng không mong muốn có thể gặp phải sau khi tiêm vắc xin). Đồng thời, theo quy định, vắc xin Sởi tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên, do vậy, những trẻ dưới 9 tháng tuổi là các đối tượng có nguy cơ bị mắc dịch bệnh này.
 
Đối với bệnh SXH, mặc dù đã triển khai tích cực các hoạt động chủ động phòng chống nhưng kết quả kiểm tra cho thấy còn nhiều khu vực có chỉ số véc tơ cao… vì nhiều gia đình chưa hợp tác trong việc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy.
 
Tại hội nghị, các đơn vị đã báo cáo tình hình triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội nghị
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết, so với năm 2018, tình hình bệnh SXH năm nay tăng gấp 3 lần. Vì vậy, trên tinh thần quyết liệt và không chủ quan, các đơn vị quận huyện phải thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch phòng chống dịch bệnh của TP đã được ban hành từ đầu năm. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện nghiên cứu xây dựng Đề án chuyên đề về phòng chống dịch bệnh địa bàn đơn vị mình như huyện Thanh Trì đã và đang thực hiện tốt. Cùng với đó, cần tích cực tuyên truyền để người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy…Đối với các bệnh nhân đang điều trị, các cơ sở y tế phải đảm bảo cách ly để chống lây nhiễm chéo; đối với những nơi có nguy cơ bùng phát dịch, cần tổ chức phun thuốc. 
 
Nêu nguyên nhân chủ yếu dẫn dịch Sởi là do không tiêm đủ vắc xin, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các quận huyện rà soát đảm bảo tiêm 100% vắc xin 100% đối với trẻ dưới 2 tuổi. Để làm được điều đó, các trạm y tế phải phối hợp với trường học và các phường xã, đồng thời, tổ chức tiêm nhắc lại đối với trẻ từ 6-11 tuổi. 
 
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị của TP đã thực hiện nghiêm túc và quyết liệt sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và kế hoạch phòng chống dịch của TP ngay từ đầu năm. Đặc biệt, một số mô hình đã được triển khai hiệu quả tại huyện Thanh Trì, quận Đống Đa. 
 
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, Hà Nội hiện đang đứng thứ 5 về số ca mắc sởi (tính theo tỷ lệ /100.000 dân; tình hình thời tiết bất thường khiến diễn biến của dịch SXH xuất hiện sớm hơn năm 2018 làm tăng nguy cơ bệnh dịch. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị tổ chức triển khai nghiêm túc các nội dung thông báo của UBND và các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, văn bản hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội trong công tác phòng chống dịch Sởi và SXH. 
 
“Tùy vào từng địa bàn, các đơn vị quận huyện xây dựng các kế hoạch, đề án phòng chống dịch bệnh phù hợp trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị phải nâng tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin từ 95% lên 100%. Các cơ sở y tế phải đảm bảo khâu bảo quản vắc xin theo đúng quy trình, các trang thiết bị bảo quản phải đảm bảo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn, tuyệt đối không được xảy ra sai sót dẫn đến trường hợp tử vong” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. 

 

Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ sở y tế phải có trách nhiệm hướng dẫn phụ huynh khi phát hiện các trường hợp trẻ phản ứng với vắc xin để có phương án cấp cứu kịp thời; đồng thời, vận động các đối tượng lớn tuổi tiêm vắc xin phòng chống dịch Sởi nếu chưa tiêm. 

 
Đối với phòng chống dịch SXH, Chủ tịch UBND TP cho rằng mấu chốt để triển khai tốt công tác phòng chống dịch là phải tuyên truyền vận động người dân diệt bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường. Đồng thời, các trạm y tế phải tăng cường phun thuốc để phòng dịch. Trên tinh thần không được chủ quan, cần khoanh vùng các ổ dịch kịp thời để tránh nguy cơ bùng phát thành dịch. 
 
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các quận, huyện thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và Thông báo số 151 của UBND TP về công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Chủ tịch UBND TP lưu ý để tránh gây bức xúc cho người dân trong công tác xử lý dịch, lãnh đạo huyện xã phải có mặt kịp thời khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn mình, đồng thời, làm tốt công tác chôn lấp, rắc vôi, tránh xa các giếng nước. Chủ tịch đặc biệt lưu ý không được giấu tình hình dịch vì thành tích; tổ chức tuần tra để phun thuốc kịp thời... 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t