Các địa phương cần phát huy tinh thần sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm (20:40 23/04/2019)


HNP - Chiều 23/4, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đã làm việc với Thành phố Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố nhằm khảo sát thực tế tại các Bộ, Ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế-xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban chủ trì buổi làm việc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận buổi làm việc


Tham gia buổi làm việc có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng các đồng chí Thường trực Tiểu ban, thành viên Tiểu ban, 12 tỉnh, thành phố nằm trong khu vực gần kề Thủ đô. 
 
Lãnh đạo thành phố Hà Nội có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.
 
Toàn cảnh buổi làm việc
 
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, buổi làm việc hôm nay là để lắng nghe ý kiến góp của của lãnh đạo 13 địa phương phía Bắc về thực trạng của địa phương, những điểm nghẽn, vấn đề cần rút ra, bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng nhiệm vụ, giải pháp 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, Tiểu ban sẽ tổng hợp, phân tích, đánh giá, cùng với tình hình chung cả nước, để xây dựng 2 văn kiện trình Đại hội XIII.
 
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung phát biểu vào 3 nội dung lớn, thứ nhất là những nét nổi bật nhất về kết quả đạt được, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong 5 năm, 10 năm qua, đặc biệt những mô hình mới, vận dụng sáng tạo, thành công cũng như các nút thắt, vướng mắc cần giải quyết.
 
Thứ hai là đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, sáng tạo để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, vùng và cả nước đến 2025, 2030, tầm nhìn đến 2045. Riêng với Hà Nội, Thủ tướng đề nghị báo cáo làm rõ việc phát huy vai trò của Thủ đô, hay với một số tỉnh, thành phố có tính đô thị hóa cao thì đặt ra vấn đề về phát triển đô thị, liên kết vùng.
 
Nhân dịp này, đáp ứng yêu cầu điều hành kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương phát biểu thêm về những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn chủ yếu mà “các đồng chí thấy trong thực tiễn cần phải sửa, nói thẳng quy định này, định hướng này chưa đúng, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng, của địa phương các đồng chí”.
 
Tại buổi làm việc, thay mặt thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trình bày báo cáo đánh giá thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam 2011-2020 của thành phố. Trong đó nêu rõ, Thành phố xác định, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh cổ phần hóa; rà soát lại các công việc mà từ trước đến nay thuộc lĩnh vực đầu tư công, dịch vụ công để chuyển cho tư nhân làm, như dịch vụ công trong lĩnh vực môi trường chuyển sang cơ chế đấu thầu hoặc đặt hàng. Những cơ chế mà tư nhân làm được và có hiệu quả hơn thì chuyển cho tư nhân làm để không phải đầu tư từ ngân sách Nhà nước…
 
Kết quả, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng 7,34% (cách tính cũ), gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Trong 3 năm tiếp theo (2016 - 2018), GRDP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng năm sau cao năm trước, bình quân đạt 8,47%; dự kiến, giai đoạn 2016 - 2020, đạt 8,54%. Đóng góp của Hà Nội đạt 16,63% GDP và 17,19% thu ngân sách cả nước.
 
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI quyết nghị 13 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Đến nay, thành phố đã đạt 3 chỉ tiêu đề ra trong năm 2018 (sớm 2 năm); năm 2019, hoàn thành thêm Chỉ tiêu về môi trường. 9 chỉ tiêu còn lại sẽ được thành phố tập trung phấn đấu hoàn thành trong năm 2019 và năm 2020.
 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo tại buổi làm việc
 
Báo cáo thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế, khó khăn và nguyên nhân; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Đồng thời, đề xuất, kiến nghị một số nội dung: kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm sớm trình Quốc Hội xem xét, thông qua Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và tạo sức lan tỏa cho các tỉnh lân cận như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Trường Đại học Quốc gia (tại Hòa Lạc); Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Dự án mở rộng và nâng cấp cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông Tích…; chỉ đạo các Bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ thẩm định để sớm phê duyệt Quy hoạch tỷ lệ 1/10.000 các đô thị vệ tinh tạo điều kiện cho thành phố triển khai thực hiện.
 
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các ý kiến phát biểu tại hội nghị cho thấy, việc triển khai chiến lược 10 năm qua của các địa phương đạt kết quả tốt, khá toàn diện, đều tăng trưởng cao, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều địa phương vượt mục tiêu. Quy mô nền kinh tế tăng lên. Cơ sở hạ tầng được cải thiện mạnh mẽ. Đời sống nhân dân được nâng cao, trong phát triển đã chú ý đến môi trường. Một điểm chung của các địa phương là đều xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ, phát triển doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại, bất cập trong quy hoạch phát triển, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc, bất cập về bộ máy.
 
Ghi nhận các góp ý, Thủ tướng nhất trí cho rằng, mục tiêu chính là con người, lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; Lấy con người là trung tâm của phát triển. Đồng thời, tiếp tục phát triển theo 3 trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường; Tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ; Phát triển hạ tầng đồng bộ, liên thông, kể cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng thông minh.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao các ý kiến góp ý về chính sách thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, liên kết vùng còn bất cập, cần được giải quyết. 
 
Đối với một số vướng mắc cụ thể mà các địa phương nêu ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ tập trung đề xuất sớm các biện pháp để giải quyết. “Tinh thần là mỗi địa phương phải tự cải cách hành chính, đổi mới phong cách làm việc, phát huy tinh thần sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t