Tăng cường các giải pháp ứng phó cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (13:55 23/04/2019)


HNP - Sáng 23/4, UBND thành phố tổ chức hội nghị ứng phó cấp bách phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và tăng cường quản lý cho nuôi, phòng chống bệnh dại trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị


Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Bệnh DTCP xảy ra ổ dịch đầu tiên ngày 24/2/2019, tại quận Long Biên. Đến 21/4/2019, bệnh DTLCP đang xảy ra tại 1.525 hộ/339 thôn, tổ dân phố/141 xã, phường thuộc 22 quận, huyện làm mắc bệnh, tiêu hủy 21.307 con với trọng lượng 1.324.989 kg.
 
Hiện tại, chỉ còn Thị xã Sơn Tây và quận Nam Từ Liêm chưa xảy ra bệnh DTCP. Đã có 3 ổ dịch (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên; xã Phú Thị, huyện Gia Lâm; phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, số lợn mắc bệnh, tiêu hủy tại các xã/phường này là 148 con với trọng lượng 9.304 kg.
 
Về diễn biến chung sau gần 2 tháng xảy ra dịch bệnh, từ 24/2 đến 31/3/2019, dịch bệnh chỉ xảy ra tại 127 hộ/62 thôn/34 xã thuộc 12 quận, huyện với tổng số lợn mắc bệnh, tiêu hủy 2.324 con, trọng lượng 157.869 kg.
 
Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT đã thường xuyên phối hợp cùng các sở, ngành và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh đảm bảo đồng bộ, kịp thời. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ánh qua đường dây nóng 02433.800.115.
 
Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi. Thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với các tỉnh trên địa bàn cả nước, đặc biệt chú trọng 24 tỉnh phía Bắc đã ký cam kết cùng Hà Nội. Tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên để test nhanh với DTLCP tại các cơ sở giết mổ, nơi nguy cơ cao.
 
Lãnh đạo các quận, huyện nêu một số tồn tại khó khăn trong quá trình phòng chống dịch bệnh
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá những nguyên nhân, những khó khăn trong quá trình dịch bệnh. Trong đó nguyên nhân chính là do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, các hộ chưa thực hiện tốt an toàn sinh học trong chăm sóc, nuôi dưỡng, khó kiểm soát dịch bệnh.
 
Nhiều địa phương chưa quản lý được hoạt động của những thương lái đi thu gom lợn, trong đó, có lợn ốm, chết và đặc biệt là các hộ giết mổ nhỏ lẻ chưa có hệ thống xử lý nước, chất thải khi thải ra môi trường. Việc sử dụng thức ăn tận dụng còn phổ biến nhưng nhận thức về xử lý thức ăn tận dụng của người chăn nuôi chưa đầy đủ.
 
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố một số xã, xảy ra tình trạng ứ đọng rác thải, rất khó khăn khi vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, gây ô nhiễm môi trường, là nguy cơ lây lan dịch bệnh. Kiểm soát vận chuyển, giết mổ lợn nhỏ lẻ trong khu dân cư gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn một số khó khăn như: Cơ chế, chính sách bồi dưỡng chưa phù hợp cho người trực tiếp tham gia chống dịch, việc huy động hoặc thuê nhân lực phòng, chống dịch gặp khó khăn...
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định: thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20/2/2019, của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 08/CT-UBND, ngày 22/2/2019, của Chủ tịch UBND thành phố. 
 
Cùng với đó, duy trì nghiêm túc hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, triển khai Tổ kiểm dịch động vật liên ngành lưu động để tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn. Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ hộ gia đình.  
 
Lãnh đạo TP cũng yêu cầu các đơn vị theo phân công cần kiểm soát an toàn sinh học đối với lực lượng tham gia tiêu hủy lợn, yêu cầu các lực lượng tham gia tiêu hủy lợn phải được trang bị đầy đủ bảo hộ khi ra khỏi ổ dịch phải được khử trùng tiêu độc kỹ. Về phía chính quyền địa phương có chính sách linh hoạt hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng chống dịch kịp thời. 
 
Ngoài ra, các huyện đẩy mạnh việc tiêu độc, khử trùng tại các khu vực có nguy cơ cao, đối với các hộ chăn nuôi không chấp hành tốt các quy định về chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh, chính quyền kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí còn xử phạt nếu hộ chăn nuôi này. Về phía người chăn nuôi, cần thay đổi tập quán chăn nuôi lâu đời, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học hiện đại vào thực hành chăn nuôi.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t