Hội nhập quốc tế trở thành động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế (13:50 23/04/2019)


HNP - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 5 năm (2014-2019) với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị


Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế.
 
Tại điểm cầu TP Hà Nội, tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; các đồng chí lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo các sở, ngành Thành phố.
 
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu hội nghị tập trung làm rõ những kết quả trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế; phân tích, đánh giá tình hình, chỉ ra cơ hội, thách thức hội nhập quốc tế trong thời gian tới, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xác định các mục tiêu, định hướng chiến lược, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực để thúc đẩy hợp tác quốc tế hiệu quả, bền vững...
 
Nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế
 
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế, triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013, của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện, hiệu quả, trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh hội nhập trên các lĩnh vực khác. Công tác hội nhập quốc tế, trong 5 năm qua, đã thu được những kết quả tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
 
Trên lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, công tác hội nhập quốc tế đã mở rộng và làm sâu sắc hơn mạng lưới các đối tác chiến lược, toàn diện của Việt Nam. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã thiết lập và nâng cấp quan lên lên Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với các đối tác quan trọng, nâng cao thế đứng và năng lực an ninh, quốc phòng của đất nước. Hợp tác quốc tế đã góp phần tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư với các nước tăng trưởng tích cực. Tính đến hết năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 480 tỷ USD, thặng dư 6,8 tỷ USD, cam kết FDI đạt 35,46 tỷ USD...
 
Việt Nam cũng chủ động phát huy vai trò của đối ngoại đa phương; đẩy mạnh hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, đóng góp vai trò ngày càng quan trọng tại các diễn đàn khu vực như: Mê Công, ASEAN, ASEM, APEC và tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, IPU, G20, WEF... Đặc biệt, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công APEC 2017; Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương; Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng lần thứ 6; Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội...
 
Trong lĩnh vực hội nhập quốc tế về kinh tế, Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán và ký kết FTA với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); hiện đang thúc đẩy tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA với châu Âu trong năm 2019. Các hiệp định FTA trên đã và đang được thực thi, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư của đất nước.
 
Hà Nội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế
 
Chia sẻ kinh nghiệm về “Vai trò của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển của địa phương và những nhiệm vụ trọng tâm hội nhập của địa phương đến năm 2021”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế, Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, trên hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là trên Kênh truyền thông quốc tế CNN để giới thiệu, quảng bá về Hà Nội.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, với vị thế là Thủ đô - Thành phố vì hòa bình, Hà Nội đã chủ động, đẩy mạnh hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng, tích cực tham gia tổ chức các sự kiện, diễn đàn, tổ chức quốc tế, triển khai các hoạt động đối ngoại phục vụ kinh tế, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch... Từ năm 2016-2018, Hà Nội đã đón tiếp và làm việc với hơn 660 đoàn khách quốc tế, trong đó có nhiều đoàn đại biểu cấp cao của thủ đô, thành phố lớn các nước và một số tập đoàn quốc tế. Hà Nội cũng có quan hệ giao lưu, hợp tác với hơn 100 thành phố, trong đó quan hệ chính thức với trên 50 thủ đô, thành phố trên thế giới...
 
“Việc hội nhập quốc tế trong 5 năm qua đã tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. Riêng năm 2018, Thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài. Tính chung trong 3 năm 2016-2018 và 3 tháng đầu năm 2019, Hà Nội thu hút được gần 18,29 tỷ USD, bằng 2,92 lần giai đoạn 2011-2015. Kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%, vượt chỉ tiêu được giao, giúp kim ngạch xuất khẩu 3 năm 2016-2018 tăng 11,65%, vượt mục tiêu cả nhiệm kỳ (8-9%).
 
Đáng chú ý, hiệu ứng truyền thông ra quốc về về hình ảnh Thủ đô đã góp phần tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội qua các năm. Năm 2016 tăng 22,4%; năm 2017 tăng 23% (đạt 4,95 triệu lượt); năm 2018 đạt 6,005 triệu lượt, tăng 21,3%. Hà Nội cũng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Chính vì thế, số doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục, với trên 78,7 nghìn doanh nghiệp, chiếm 30,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 1992 đến nay, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đang hoạt động lên trên 260 nghìn doanh nghiệp. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu hội nhập quốc tế, tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ 5 nhóm giải pháp Hà Nội sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, nhằm tăng cường hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...; xây dựng Hà Nội thành trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước và khu vực; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ; tăng cường các hoạt động đối ngoại kết hợp với xúc tiến đầu tư...
 
Hội nhập tiếp tục là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 4 kết quả nổi bật của hội nhập quốc tế trong 5 năm qua, như củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ nguồn lực, hợp tác phát triển; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ quyền của người dân, doanh nghiệp; hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh quốc gia; nhận thức về hội nhập quốc tế của cả hệ thống chính trị ngày càng sâu sắc hơn... Từ những kết quả trên, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hội nhập quốc tế là một chủ trương đúng và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị
 
Tuy nhiên, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, có những lúc tư duy chưa đủ nhạy bén, linh hoạt, chưa khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý của đất nước; hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn hạn chế, còn tình trạng nhập siêu lớn; công tác triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật về hội nhập quốc tế còn nhiều vấn đề phải sớm khắc phục, nhất là thông tin về các hiệp định FTA đến doanh nghiệp, người dân còn chậm...
 
Nhấn mạnh bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế thời gian tới còn nhiều yếu tố khó lường, kinh tế toàn cầu suy giảm, cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, an ninh phi truyền thống ảnh hưởng đến các quốc gia... Bản thân nền kinh tế trong nước còn một số hạn chế, trong khi hội nhập ngày càng sâu rộng ở các cấp, các ngành, chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia, các cấp, các ngành cần nắm chắc tình hình, không chủ quan, không tự mãn, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp.
 
Thủ tướng cũng chỉ ra nguy cơ tụt hậu đang là thách thức to lớn đang đặt ra đối với nước ta, đi liền với đó là các vụ khiếu kiện, khiếu nại trong thương mại quốc tế gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trong nước. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, do vậy, phải tiếp tục giữ vững tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
 
Trong lĩnh vực văn hóa, tiếp tục quán triệt và thực hiện quan điểm “Hội nhập nhưng không hòa tan”, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của hội nhập. Cùng với đó, hội nhập trong lĩnh vực khoa học công nghệ vừa là cơ hội, cũng là thách thức lớn, đòi hỏi phải chủ động để không bị tụt hậu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh 3 quan điểm hội nhập quốc tế trong thời gian tới, đó là: Nâng tầm; toàn diện, sâu rộng; đổi mới, sáng tạo và hiệu quả. Theo Thủ tướng Chính phủ, trước hết phải phải nâng tầm nhận thức, tư duy và hành động hội nhập để nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Một mặt hội nhập trên quy mô, tốc độ phù hợp với năng lực của đất nước, nhưng cũng không chờ đợi để các thời cơ đi qua, mà phải nắm bắt thời cơ.
 
“Cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành cần quyết liệt vào cuộc, quyết tâm đổi mới để đẩy mạnh hội nhập, trên tinh thần đến năm 2020, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN 4, phấn đấu từng bước tiệm cận với tiêu chuẩn của OECD”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t