Các cấp Công đoàn phải là chỗ dựa vững chắc cho người lao động (12:53 19/04/2019)


HNP - Sáng 19/4, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam có buổi kiểm tra, giám sát chuyên đề năm 2019 đối với LĐLĐ TP Hà Nội. Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam và đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc


Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo LĐLĐ Việt Nam và lãnh đạo một số ban, ngành Thành phố.
 
Thực hiện tốt chức năng chăm lo, đại diện cho người lao động
 
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Trần Thị Phương Hoa cho biết, LĐLĐ TP Hà Nội hiện đang quản lý trực tiếp 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (gồm 30 LĐLĐ các quận, huyện, thị xã và 8 công đoàn ngành, 5 công đoàn tổng công ty, 2 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở), 28 công đoàn cơ sở trực thuộc, với tổng số 8.330 công đoàn cơ sở, trên 605 nghìn đoàn viên công đoàn...
 
Trong những năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Năm 2018, Công đoàn đã tham gia, phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức (100% đơn vị tổ chức), hội nghị người lao động (67% đơn vị tổ chức) và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định (với trên 49% doanh nghiệp đã xây dựng quy chế đối thoại). 
 
Liên đoàn Lao động Thành phố đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo các sở, ngành với 550 đại biểu dự Đại hội XVI Công đoàn Thành phố và 200 công nhân lao động đại diện cho các công nhân lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất. Tại hội nghị, 7 lượt kiến nghị trực tiếp, 54 ý kiến thuộc 6 nhóm nội dung đã được lãnh đạo Thành phố chỉ đạo giải quyết. Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 45% Công đoàn cơ sở đã phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức đối thoại giữa Công đoàn - người sử dụng lao động - công nhân lao động để nắm bắt diễn biến, tư tưởng và giải quyết kiến nghị, đề xuất.
 
Các cấp Công đoàn cũng phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm và các chính sách lao động nữ tại 760 doanh nghiệp, qua đó, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, giải quyết vướng mắc và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Công đoàn các cấp cũng tiếp nhận 583 bộ hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, đã có 75 hồ sơ Công đoàn khởi kiện được Tòa án thụ lý. Qua hoạt động thông báo khởi kiện, đã có 118 đơn vị, doanh nghiệp trả hết nợ bảo hiểm xã hội, 180 doanh nghiệp tự giác nộp một phần số tiền nợ, tổng số tiền thu nợ đọng bảo hiểm xã hội đạt gần 100 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, Công đoàn các cấp cũng tích cực triển khai các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Riêng năm 2018, Công đoàn các cấp đã thăm hỏi, trợ cấp cho 56.500 công nhân viên chức lao động và con có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 31 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động TP cùng 26 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 423 công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức chương trình “Tết sum vầy”, tổ chức 726 chuyến xe miễn phí đưa 28.980 công nhân lao động về quê đón Tết... 
 
Cũng trong năm 2018, các cấp Công đoàn đã thành lập mới 571 công đoàn cơ sở (đạt 116,53% kế hoạch), kết nạp 38.443 đoàn viên (đạt 128,14% kế hoạch); hoàn thành sắp xếp 4 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, giảm số đầu mối từ 9 đơn vị xuống 7 đơn vị.
 
Nêu kiến nghị tại buổi làm việc, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ, trường mầm non cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, đặc biệt ngay từ khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp phải đảm bảo đồng bộ với các thiết chế trên. LĐLĐ TP cũng đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Bộ luật Lao động 2012 cần nghiên cứu các quy định về đình công cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm vai trò lãnh đạo đình công của tổ chức Công đoàn, cũng như công tác quản lý nhà nước đối hoạt động này. Ngoài ra, nghiên cứu ban hành “Luật Tố tụng lao động” để giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh...
 
Lãnh đạo LĐLĐ TP cũng nêu 6 kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam và 6 kiến nghị với Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội. Cụ thể, đối với những công đoàn cơ sở có dưới 30 đoàn viên không phải mở và nộp kinh phí công đoàn qua tài khoản Ngân hàng Vietinbank; có chế độ phụ cấp cho các đồng chí Ủy viên Ban Nữ công quần chúng; điều chỉnh tỷ lệ chi hành chính, chi hoạt động phong trào để tạo nguồn cho đầu tư xây dựng các thiết chế; Thành phố hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động của các “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, hỗ trợ công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ công nhân lao động...
 
Đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động Công đoàn
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, Hà Nội có khoảng 300 nghìn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đang hoạt động, giải quyết việc làm cho 70% lực lượng lao động và đóng góp 40% GDP của Thành phố. Trong những năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc chăm lo, đại diện quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động. Tổ chức Công đoàn cũng được Thành ủy xác định là nòng cốt trong việc thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước...
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc
 
Đồng chí Đào Đức Toàn đánh giá, bên cạnh những mặt thuận lợi thì hoạt động của Công đoàn trong bối cảnh hiện nay đang đối mặt với những khó khăn, thách thức, như toàn cầu hóa, hội nhập, nhu cầu và yêu cầu của đoàn viên, người lao động cũng cao hơn, toàn diện hơn; năng lực đội ngũ cán bộ nói chung chưa theo kịp, chưa tương xứng với yêu cầu.
 
Nhất trí với những mục tiêu, nhiệm vụ của LĐLĐ TP đã đề ra, đồng chí Đào Đức Toàn nhấn mạnh: Các cấp Công đoàn phải nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình đối với sự phát triển của Thủ đô; phải là đơn vị đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, triển khai các nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của các tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động, để họ thực sự tin cậy, gửi gắm tâm tư, tình cảm đối với tổ chức Công đoàn.
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cũng mong muốn, thông qua hoạt động của các tổ chức Công đoàn, phải tạo ra được kênh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ công nhân lao động, đồng thời tạo ra cầu nối giữa chính quyền các cấp với công nhân lao động trên địa bàn.
 
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị, với vị thế là Thủ đô, lực lượng đoàn viên, công nhân lao động chiếm 1/10 cả nước, do vậy cùng với hệ thống tổ chức Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động, tạo ra lợi ích thực sự đối với người lao động, từ đó tạo nên sự gắn kết chặt chẽ với công nhân lao động.
 
Muốn vậy, đồng chí Bùi Văn Cường đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô cần tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với từng loại hình, địa bàn,... tăng cường hướng về cơ sở theo đúng tinh thần: Công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở phục vụ đoàn viên. 

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t