Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (13:38 17/04/2019)


HNP - Sáng 17/4, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về kết quả thực hiện nhiệm vụ 3 tháng đầu năm và trọng tâm 9 tháng cuối năm 2019. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.


Quy mô tiếp tục phát triển
 
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển, mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2.713 trường Mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 70 trường so với cùng kỳ năm học 2017-2018), với 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên là 155.323 người.
 
Năm học 2018-2019, trên địa bàn Hà Nội, các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp. Ngoài ra, thành phố cũng đã cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp với 2.450 phòng học mới xây, 2.552 phòng học cải tạo. Tiến hành khảo sát thực trạng 1.270 trường tiểu học và THCS, xác định 3.720 khu nhà vệ sinh cần cải tạo hoặc xây mới với kinh phí dự kiến gần 466 tỷ đồng để xây dựng phương án, lộ trình tổng thể nhằm đảm bảo vệ sinh, sức khỏe cho học sinh.
 
Trong công tác quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ, Sở GD&ĐT đã thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2021-2026, CBQL được bổ nhiệm đều nằm trong quy hoạch và đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Hiện nay, số lượng CBQL tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT không vượt quá theo quy định.
 
Chất lượng chuyển biến rõ rệt
 
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố được giữ vững, chất lượng mũi nhọn tiếp tục phát triển. Cụ thể, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt thành tích xuất sắc, năm 2018 vượt chỉ tiêu, đạt 150% kế hoạch (120/80 trường), đã kiểm tra công nhận lại 138/190 trường. Toàn thành phố hiện có 18 trường chất lượng cao, trong đó, có 13 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Mô hình trường chất lượng cao đang phát huy tác dụng tốt với học sinh và cha mẹ học sinh.
 
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải quốc gia năm 2019; 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019; 48 giải tại Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Toán học quốc tế ITMC 2019,… Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Hà Nội cũng là một trong những đơn vị triển khai tích cực Chương trình Sữa học đường.
 
Tại hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh trái tuyến; phân cấp tổ chức cán bộ; chủ trương y tế trong trường học; cơ chế cải tạo, sửa chữa những trường đang xuống cấp; quỹ đất xây dựng trường nói chung và xây dựng trường mới nói riêng để đạt được tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mà thành phố giao,…
 
Phát huy vai trò là trung tâm giáo dục lớn
 
Kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, trong những năm qua, ngành GD&ĐT của Thành phố tiếp tục phát huy được vai trò là trung tâm giáo dục lớn của cả nước, tiếp tục phát huy vị thế đứng đầu, đóng góp trong sự phát triển của Thành phố. Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT đã xây dựng thêm 72 trường mới là việc hết sức ý nghĩa để hệ thống các trường ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tế.
 
Thời gian tới, thành phố ngày càng hội nhập, việc tiếc tục phát triển giáo dục, lấy con người là trung tâm phát triển vẫn được xác định là mục tiêu then chốt. Do đó, đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị ngành quan tâm thực hiện tốt hơn các định hướng chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phát triển GD&ĐT. Đồng thời, ngành GD&ĐT cần tiếp tục quan tâm chăm lo đổi mới toàn diện ngành, quan tâm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chủ thể là học sinh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, lắng nghe tiếp thu và điều chỉnh các chính sách về giáo dục, tạo sự đồng thuận xã hội trong vấn đề đào tạo học sinh của Thành phố.
 
Ngành GD&ĐT cũng cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ giáo viên, thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đội ngũ này; tăng cường công tác thanh kiểm tra, chấn chỉnh tiêu cực trong thi cử; cũng như công tác giáo dục truyền thống cho học sinh; nâng cao tính chủ động trong điều chỉnh mạng lưới giáo dục; tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS…

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t