Tập trung đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia, nhà vệ sinh đạt chuẩn (14:03 29/03/2019)


HNP - Sáng 29/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý chủ trì hội nghị về công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia; công tác xây dựng nhà vệ sinh trong trường học; công tác đầu tư xây dựng trường học, phòng học cho khu vực thiếu trường, lớp học.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị


Vượt chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc gia
 
Năm 2018 là năm bản lề của kỳ kế hoạch 5 năm 2016-2020, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nỗ lực hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chỉ tiêu của thành phố, tỷ lệ trường Mầm non và Phổ thông công lập chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 70%. Theo đó, năm 2018, tổng số trường được kiểm tra, thẩm định công nhận chuẩn quốc gia là 121 trường (51 trường Mầm non, 24 trường Tiểu học, 38 trường THCS và 8 trường THPT), vượt chỉ tiêu thành phố giao (kế hoạch 80 trường), đạt 151% kế hoạch. Số trường thuộc kế hoạch công nhận lại năm 2018 là 190 trường (38 trường Mầm non, 80 trường Tiểu học, 65 trường THCS, 7 trường THPT). Kết quả, đã kiểm tra, thẩm định công nhận lại 139 trường, trong đó, có 106 trường thuộc kế hoạch năm 2018; 33 trường thuộc kế hoạch năm 2019-2020.
 
Trong năm qua, các quận, huyện, thị xã đã tập trung các nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia; phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực hiện kế hoạch. Song, vẫn còn nhiều tồn tại trong quá trình triển khai. Trong khi các huyện ngoại thành gặp khó khăn trong vấn đề kinh phí thì các quận nội thành lại gặp khó khăn về quỹ đất để mở rộng trường do số học sinh tăng. Công tác công nhận lại đối với trường thuộc các quận nội thành được thành phố thực hiện chặt chẽ hơn so với các huyện nội thành nên tiến độ công nhận ở những trường nội thành thường chậm hơn…
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, việc công nhận trường chuẩn Quốc gia sẽ được thực hiện theo thông tư mới, quy trình được siết chặt nhất là với những trường mới thành lập.
 
Xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn
 
Theo thống kê tình trạng nhà vệ sinh trường học, năm 2018-2019, tổng số trường Mầm non và Phổ thông công lập có 2.185 trường, tăng 35 trường so với năm học trước, các trường này được đầu tư xây mới nên không có nhu cầu cải tạo, xây mới nhà vệ sinh. Trong đó, có 1.704/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn quy định, đạt tỷ lệ 78%; 1.959/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh theo quy định, đạt tỷ lệ 90%; 1.704/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo có khu rửa tay, đạt tỷ lệ 78%; 893/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo có xà phòng rửa tay, đạt tỷ lệ 40%; 2.145/2.185 trường có công trình vệ sinh được phân công các hoạt động trực nhật, vệ sinh các công trình nhà vệ sinh, đạt tỷ lệ 98%.
 
Đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc, phối hợp của các Sở, ngành và sự nỗ lực thực hiện của các nhà trường trong công tác thực hiện và quản lý sử dụng. Năm 2019, sẽ triển khai xây dựng mới và cải tạo khu vệ sinh của giáo viên, học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT công lập, đạt chuẩn. Cụ thể, xây mới 2.460 nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn thiết kế đạt chuẩn và trên chuẩn ở những trường còn thiếu khu vệ sinh; cải tạo 8.598 nhà vệ sinh cũ. Năm 2020, tiếp tục rà soát xây nhà vệ sinh, xây mới khu vệ sinh của giáo viên, học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT công lập.
 
Tập trung nguồn lực đầu tư
 
Giao nhiệm vụ cho Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Đối với công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo, quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các nhà trường duy trì thường xuyên những tiêu chí đã đạt được. Trong đó, khắc phục những tiêu chí còn thấp và phát huy tối đa các tiêu chí đã triển khai tốt. Lãnh đạo thành phố cũng cho biết, thành phố rất quan tâm và đã có hỗ trợ cũng như hướng dẫn cụ thể cho những huyện không cân đối được ngân sách xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng đề nghị các quận, huyện ưu tiên đầu tư cho giáo dục nhất là những huyện có tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia thấp. Ngoài những trường được công nhận mới, cần tập trung hơn nữa đến những trường được công nhận lại để việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. 
 
Trong công tác xây dựng nhà vệ sinh, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho rằng, nhiều nơi đã triển khai mô hình quản lý nhà vệ sinh trong trường học khá tốt, song, để duy trì được mô hình này cần được triển khai thường xuyên, liên tục. Đồng chí giao Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị đánh giá thực trạng nhà vệ sinh thuộc thẩm quyền quản lý. Xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh, phấn đấu năm 2019 sẽ đạt 100% các trường có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Các quận, huyện, thị xã chủ động phân bổ ngân sách cho công tác xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh. Đồng thời, huy động nguồn xã hội hóa trên tinh thần tìm kiếm tài trợ từ các tập thể, cá nhân. Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở cùng các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất công tác quản lý, sử dụng nhà vệ sinh…
 
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng đề cập đến công tác đầu tư xây dựng trường học, phòng học. Theo đó, tình trạng thiếu trường, lớp học ở các quận nội thành là vấn đề mà thành phố rất lưu tâm. Đồng chí đề nghị, các quận, huyện, thị xã và nhất là các quận nội thành phân tuyến lộ trình tuyển sinh đầu cấp. Ưu tiên số 1 cho tuyển sinh đúng tuyến nhằm đảm bảo sĩ số lớp theo đúng quy định, tránh trường hợp trường thừa, trường thiếu học sinh…

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t