Chia sẻ kinh nghiệm trong ngành nước giữa Việt Nam và Đức (21:39 19/03/2019)


HNP - Từ ngày 19 - 20/3/2019, UBND TP Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Hội Hợp tác ngành nước Đức phối hợp tổ chức “Diễn đàn ngành nước Đức - Việt tại thành phố Hà Nội”. Tại diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài nước đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm cũng như năng lực trong ngành nước, đồng thời, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường ngành nước.

Quang cảnh Diễn đàn


Tại Diễn đàn, bà Julia Braune, Giám đốc điều hành hội Hợp tác ngành nước Đức (GWP) đã chia sẻ tổng quan về mạng lưới các doanh nghiệp cấp thoát nước Đức và những thế mạnh về công nghệ Đức trong xử lý nước và môi trường. Theo bà Julia, GWP là cơ quan kết nối chính phủ và tư nhân trong thúc đẩy đối tác trong và ngoài nước, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ trong lĩnh vực nước. Đức hoàn toàn ý thức tới “nền kinh tế khí hậu” đó là phát triển kinh tế vượt qua nhiều thách thức, ô nhiễm nước, ô nhiễm công nghiệp, đồng thời, phải giải quyết nhu cầu đầu tư và tái đầu tư. Việt Nam và Đức nước đều chia sẻ những điểm tương đồng nên việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý là vô cùng cần thiết.
 
Bà Julia Braune, Giám đốc điều hành hội Hợp tác ngành nước Đức (GWP) trao đổi tại Diễn đàn
 
Theo bà Julia Braune, nước Đức được ban tặng tài nguyên nước đa dạng, nguồn nước cấp cho sinh hoạt tương đương 5,1 tỷ m3/năm. Với cách thức vận hành phân mảnh, tại Đức có hàng ngàn công ty trong lĩnh vực cung cấp nước sạch và xử lý nước thải. Chính quyền đưa ra 5 tiêu chí tham chiếu giữa các công ty trong ngành nước bao gồm: Chất lượng, an toàn, bền vững, hiệu quả và dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, nước Đức có tỷ lệ thất thoát nước thấp nhất thế giới ở 6,8%, bao gồm nước thải và nước sử dụng cho phòng cháy chữa cháy. Tiến triển trong ngành tiêu thụ nước rất rõ, một ví dụ như tại khu vực miền Đông nước Đức ban đầu giá nước rẻ nên người dân dùng nước sạch cho mọi mục tiêu, sau khi biểu giá nâng cao và dân số tăng lên thì lượng tiêu thụ giảm xuống, đồng thời, công nghệ máy rửa bát, máy giặt tiêu thụ tiết kiệm nước cũng phát triển. Theo số liệu trong 2014, Đức đầu tư lớn 4,8 tỷ Euro/năm cho xử lý nước thải, 2,5 tỷ Euro/năm cho cung cấp nước sạch, theo quy đổi giá nước tại Đức tương đương 5 Euro/m3.
 
Phân tích về thực trạng và cơ hội cho ngành nước Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) cho biết, tỷ lệ thất thoát nước còn cao ở 21,5%, có đô thị lên tới 35%. Chất lượng nước và dịch vụ còn chưa đáp ứng nhu cầu. Cho tới năm 2020, Việt Nam đặt chỉ tiêu nước sạch 120 lít/ngày, tương đương đạt 90% nhu cầu nước sạch.
 
Việt Nam đầu tư 14,400 tỷ đồng cho cấp nước/năm. Đến nay, đã tiến hành cổ phần hóa 100/111 công ty cấp nước (90%), trong khi con số này ở lĩnh vực thoát nước là 39/71 công ty (55%).  Khó khăn thách thức của lĩnh vực là tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, năng lực quản lý còn nhiều hạn chế bất cập và nhận thức cộng đồng trong khai thác, sử dụng nguồn nước còn thấp.
 
PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) trao đổi tại Diễn đàn
 
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, vẫn còn cơ hội lớn cho ngành nước Việt Nam, với nhu cầu ngày càng cao về tiếp nhận ứng dụng và chuyển giao đổi mới công nghệ trong xử lý nước, năng lực nhiều DN ngành nước Việt Nam đã ngang tầm khu vực. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý nước bền vững cũng gia tăng nhanh trong thời gian gần đây,…
 
Trình bày thực trạng, nhu cầu và chính sách thu hút đầu tư của Hà Nội trong lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, ngành cấp nước Thủ đô Hà Nội có lịch sử phát triển trên 125 năm với nòng cốt là Công ty nước sạch Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho nhân dân khu vực đô thị. Với tinh thần quyết tâm cao của các Nhà đầu tư xã hội hóa tham gia các dự án cấp nước, từ việc thiếu nguồn cung, chất lượng nước không ổn định, đến nay, tổng công suất nguồn tập trung của Thành phố đạt đã trên 1.200.000m3/ngđ (trong đó nguồn nước ngầm là trên 600.000m3/ngđ và nguồn nước mặt là khoảng 600.000m3/ngđ), với sản lượng trên đã cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân khu vực đô thị với tỷ lệ cấp nước đạt 100% với chỉ tiêu 120÷150 lít/người/ngày.
 
Khu vực nông thôn Thành phố Hà Nội bao gồm 416 đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 17 huyện và thị xã Sơn Tây với tổng dân số khoảng 4,280 triệu người: Năm 2016 tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 37,2%; năm 2017 là 49,4%; Năm 2018 đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên trên 55,5% chỉ tiêu 70÷100 l/người/ngày; dự kiến 2019 là khoảng (73-75)%.
 
Đến nay, UBND TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án cấp nước (trong đó có 11 dự án phát triển nguồn tổng công suất tăng thêm 1.350.000m3/ngđ) và 23 dự án phát triển mạng cấp nước cho 382/416 xã. Sau khi các Dự án hoàn thành sẽ cung cấp cho khoảng 4.023.200 người, với khoảng 1.005.000 hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt trên 94%.
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng trình bày tham luận tại Diễn đàn
 
Về thoát nước, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nay, hệ thống thoát nước thủ đô Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch có diện tích khoảng 77,5km2 đã được cải tạo đồng bộ. Các khu vực còn lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, do đó, vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập khi mực nước sông Nhuệ, sông Cầu Bây dâng cao, hệ thống thoát nước không tự chảy được. Về thu gom xử lý nước thải, đến nay, tổng công suất các trạm xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội mới đạt khoảng 276.300m3/ngđ mới thu gom, xử lý được trên 30% lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực nội đô. Như vậy, nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom xử lý nước thải Hà Nội là rất lớn.
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng chia sẻ, chính sách thu hút đầu tư của TP Hà Nội đối với các dự án phát triển hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường bao gồm: Hỗ trợ thủ tục đầu tư, đảm bảo thông thoáng, nhanh gọn; TP hỗ trợ các nhà đầu tư lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại; Ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư nước sạch tại các vùng sâu, vùng xa; Giới thiệu ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển Thành phố.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t