Hà Nội đạt những kết quả vượt trội trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (13:39 29/01/2019)


HNP - Sáng 29/01, đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn, đã làm việc với thành phố Hà Nội về công tác thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài. Chủ trì tiếp đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc


Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, thành phố Hà Nội có gần 4.500 dự án còn hiệu lực thực hiện với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 36,6 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1989-2005 thu hút 10,95 tỷ USD; Giai đoạn 2006-2014 thu hút 15,22 tỷ USD; Giai đoạn 2015-2018 thu hút 15,11 tỷ USD. Năm 2018, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau 30 năm mở cửa và hội nhập. Vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đăng ký.
 
Về hình thức đầu tư, dự án 100% vốn nước ngoài chiếm 80%, còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nhật Bản là quốc gia đứng đầu về quy mô đầu tư với khoảng 10,2 tỷ USD; tiếp đến là Singapore với khoảng 6 tỷ USD. Quy mô vốn đầu tư đăng ký trung bình một dự án là 7,6 triệu USD.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, khu vực vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của Thành phố; Tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước của Thành phố (trung bình trên 10% so với số thu trên địa bàn toàn Thành phố); thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực như viễn thông, điện tử, công nghiệp sản xuất phụ tùng và lắp ráp sản xuất ô tô, hóa chất, xây dựng quản lý khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, y tế, giáo dục chất lượng cao… 
 
Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô theo hướng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế; tạo việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng khoảng 295.000 người; thu nhập bình quân khoảng 11,6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn thu nhập trung bình của người lao động trong các khu vực doanh nghiệp khác. Góp phần thúc đẩy CCHC, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi…
 
Về công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP, Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có. Cụ thể: Đã xây dựng và giới thiệu danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn TP tại các hội nghị “Hà Nội - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” thường niên từ năm 2016; thực hiện tốt công tác cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014; thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ từ 40 - 50 dự án có sử dụng đất/năm để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc; kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác xúc tiến đầu tư…
 
Giai đoạn 2019 - 2020, thành phố Hà Nội xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác được các lợi thế của Thủ đô cũng như các thế mạnh của tỉnh, thành phố trong vùng, bao gồm: Lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; lĩnh vực sản xuất, gia công, triong đó, ưu tiên các ngành, lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm; áp dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa tiên tiến và in 3D, sử dụng ít năng lượng hoặc năng lượng tái tạo, tạo thêm việc làm với mức lương cao hơn và người lao động được phát triển kỹ năng, tay nghề; lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao như dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe, logistic.
 
Thành phố quyết tâm xây dựng nền hành chính phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, CCHC, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với các hoạt động đối ngoại, văn hóa; Xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (tập trung vào 3 khu vực lớn là: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản - Hàn Quốc); đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; Công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin; tăng cường kỹ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự năng động và tiên phong của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức trong hỗ trợ nhà đầu tư/doanh nghiệp.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định: kết quả thu hút FDI trong 3 năm qua của Hà Nội khởi sắc là do Thành phố đã hoạch định các nhóm dự án: Dự án đầu tư đã được cấp giấy phép nhưng có vướng mắc cần tháo gỡ; dự án đầu tư có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh; thứ 3 là kêu gọi dự án đầu tư mới.
 
Đóng góp một số ý kiến với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng công tác xúc tiến đầu tư cần được tiến hành theo nhiều hướng, tiếp cận các nhóm doanh nghiệp, từng nhà đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề xuất xây dựng mô hình "thành phố công nghiệp", tích hợp các dịch vụ phụ trợ để phục vụ người lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đánh giá sự đồng bộ trong tiêu chuẩn công nghệ của Việt Nam còn chưa cao, Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý việc thu hút đầu tư công nghệ cao phải đi đôi với cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng; chính sách chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về giá, chính sách ưu đãi hạ tầng đối với ngành nghề sử dụng công nghệ cao...
 
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, sau 30 năm thu hút FDI, trong thành công chung của cả nước, Hà Nội có sự thành công vượt trội, đóng góp tích cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Qua thực tiễn của Hà Nội cho thấy, trong giai đoạn tới đây, ít nhất trong 10 năm tới, với yêu cầu mới, bối cảnh mới, điều kiện mới, cơ hội thách thức rất lớn, thì cần phải có sự đổi mới tư duy trong chính sách và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến thu hút và sử dụng đầu tư FDI. Theo đó, cần chuyển từ tăng cường thu hút đầu tư sang đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển toàn diện, coi nhà đầu tư là đối tác, thể hiện qua sự trân trọng, cầu thị theo văn hóa Việt Nam. Hướng thu hút đầu tư cũng phải đổi mới, có chọn lọc với những tiêu chí mới, trong đó đặc biệt là đặt yêu cầu cao hơn với đầu tư công nghệ. Trong xúc tiến đầu tư phải chú trọng đến yếu tố dài hạn, nắm bắt nhu cầu của thế giới, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có trọng điểm. 
 
Thông qua việc khảo sát tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu để xây dựng Đề án về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030" chất lượng và sâu sắc hơn.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t