Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (09:46 10/01/2019)


HNP - Chiều 09/01, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội


Linh hoạt trong chương trình giáo dục phổ thông mới
 
Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đã giới thiệu một số nội dung chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và chuẩn bị đội ngũ để thực hiện chương trình. Đồng thời, giới thiệu nội chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, chương trình sẽ vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vừa khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình này. 
 
Với chương trình giáo dục phổ thông mới, được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình giáo dục phổ thông mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng Chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này. Đồng thời, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. 
 
Đặc biệt, ở chương trình giáo dục phổ thông mới cũng trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục. Qua đó góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội. 
 
Hà Nội chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
 
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Từ đầu năm 2018, ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động tham mưu với UBND thành phố làm tốt công tác chuẩn bị chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, ngành đã tổ chức hội nghị triển khai tới tất cả các phòng GD&ĐT trên địa bàn, các trường trực thuộc, các giáo viên, cán bộ quản lý về chương trình giáo dục tổng thể. Ngành cũng đã lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các chuyên gia, nhà chuyên môn về giáo dục, các đồng chí trong hội đồng biên soạn chương trình; trao đổi về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như điều kiện về giáo viên. 
 
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT đã đề nghị thành phố về các điều kiện cơ sở vật chất trường lớp và được thông qua việc bổ sung đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, cho xây mới, bổ sung thêm 222 trường, lớp với tổng kinh phí đầu tư 5.549,2 tỷ đồng và tiếp tục đầu tư hàng năm cho việc mua sắm cơ sở vật chất. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về đổi mới trong công tác dạy và học; thực hiện phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tạo nền tảng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới…
 
Nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành nội dung chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng được chương trình. Trong đó, cần sớm công bố chương trình sách giáo khoa mới tạo điều kiện cho các giáo viên tự nghiên cứu, các nhà trường tự bồi dưỡng góp phần thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng mong muốn Bộ ban hành quy định tối thiểu về cơ sở vật chất đối với mỗi phòng học cũng như các phòng học bộ môn. Đồng thời, có giải pháp để giảm số học sinh/lớp nhất là đối với các trường có sĩ số học sinh đông…
 
Xây dựng kế hoạch chi tiết sẵn sàng triển khai chương trình
 
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được sẵn sàng để triển khai. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị sau cuộc họp các Vụ, Cục xây dựng kế hoạch, cụ thể chi tiết các bước. Với những địa phương có những khó khăn riêng, cần báo cáo sớm để Bộ báo cáo Chính phủ tìm cách tháo gỡ. Bộ trưởng đề nghị các địa phương tạo dựng môi trường tốt để các nhà trường, giáo viên nâng cao chuyên môn cũng như đổi mới phương thức giảng dạy đáp ứng chương trình. Quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, chế độ chính sách của giáo viên trong giai đoạn chuyển đổi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cũng như tăng cường năng lực quản trị nhà trường và người đứng đầu (hiệu trường), tạo dựng môi trường giảng dạy năng động, sáng tạo. Trong vấn đề thi giáo viên giỏi, rà soát loại bỏ những thủ tục không cần thiết như vấn đề sáng kiến kinh nghiệm, giảm áp lực giấy tờ cho giáo viên. Rà soát lại môi trường giáo dục, triển khai xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, chống bạo lực học đường…
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, cần tránh tình trạng cào bằng trong đào tạo giáo viên, không để giáo viên rơi vào áp lực khi thực hiện đổi mới. Trong chương trình bồi dưỡng, tạo điều kiện cho giáo viên chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi ý kiến. Bộ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo địa phương tăng cường trao đổi, cùng Bộ GD&ĐT chung tay thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t