Tổng kết công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường năm 2018 (19:35 08/01/2019)


HNP - Sáng 8/01, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo. Đại diện thành phố Hà Nội có đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo


Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, toàn ngành đã đạt được những chỉ tiêu cơ bản đặt ra trong năm 2018. Trước hết là tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để phát huy nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội, tăng nguồn thu ngân sách.

Cụ thể, trong 3 năm, đã đưa hơn 50.000ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế-xã hội; xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30.000ha. Hoàn thành sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp; thu hồi chuyển cho các địa phương hơn 400.000ha.
 
Ngành cũng hoàn thành chỉ tiêu Quốc hội giao về tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhiều chỉ tiêu khác về môi trường đều có chuyển biến tích cực; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để đi vào vận hành, đóng góp cho tăng trưởng. Nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, giảm đáng kể thiệt hại về người và vật chất do thiên tai so với năm 2017. Bên cạnh đó, các chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số cải cách hành chính... đều tăng; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.
 
Các kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bao gồm đóng góp cho ngân sách trực tiếp thông qua các nguồn thu từ tài nguyên; gián tiếp thông qua đơn giản hoá thủ tục hành chính, sớm tạo mặt bằng cho triển khai các dự án, kiểm soát tốt các vấn đề môi trường đối với các dự án lớn; dự báo kịp thời khí tượng thủy văn, giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế…
 
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã tổ chức số hóa việc quản lý đất đai, đã triển khai được ở 3 quận, huyện. Hiện, thành phố đang tổ chức ứng dụng CNTT vào việc đo vẽ bản đồ ở các địa phương khác và phấn đấu hoàn thành vào năm 2019.
 
Cũng liên quan đến quản lý đất đai, năm 2018, thành phố đã chỉ đạo các đoàn công tác của Sở Tài nguyên Môi trường đi các quận, huyện để giải quyết các khó khăn về đất đai cho các quận huyện, đặc biệt là việc giải quyết khó khăn trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
 
Theo lãnh đạo UBND thành phố, năm qua, TP đã nối mạng toàn bộ hệ thống dịch vụ công, có 1.058/1.922 thủ tục đã thực hiện qua dịch vụ công đạt mức độ 3, mức độ 4; hiện đã lắp đặt và đang vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí để người dân có thể theo dõi diễn biến chất lượng không khí hàng ngày của Thủ đô. Ngoài ra, còn hoàn thành chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh và từ nay đến năm 2020 sẽ trồng thêm được 600.000 cây xanh; kêu gọi xã hội hóa toàn bộ các trạm cấp nước sạch cho người dân, đồng thời, đang tổ chức đóng cửa các khu vực khai thác nước ngầm. 
 
Ngoài việc chia sẻ những nhiệm vụ đã đạt được, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng nêu một số tồn tại như: Còn tồn tại gần 3 triệu thửa đất chưa được cấp GCN sau dồn điền đổi thửa; Tình hình cấp GCN quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở các tòa nhà chung cư còn chậm; khiếu kiện về đất đai còn nhiều (chiếm khoảng 84% tổng đơn thư), có nhiều khiếu kiện kéo dài. Ngoài ra, 95% lượng rác thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp, công tác thu gom xử lý rác thải hoàn toàn thủ công. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng ô nhiễm không khí.
 
Nhân dịp này, lãnh đạo UBND thành phố cũng đề xuất Chính phủ và Bộ TN&MT cùng thành phố Hà Nội vào cuộc đánh giá việc ô nhiễm môi trường ở sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ… trên cơ sở đó, Chính phủ có biện pháp hỗ trợ thành phố xử lý được ô nhiễm, đặc biệt là giải quyết ô nhiễm liên quan đến các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị có giải pháp giải quyết các bất cập về tính giá dịch vụ cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào xây dựng các nhà máy xử lý nước thải; kiến nghị Bộ TN&MT xây dựng một phần mềm quản lý đất đai có thể tích hợp được nhiều dữ liệu và dễ dàng tương tác với các địa phương, để tạo ra được hệ thống dữ liệu lớn tránh tình trạng xung đột giữa các phần mềm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu một số vấn đề trọng tâm đặt ra cho năm 2019 và các năm sau đối với Bộ TN&MT. Thứ nhất, theo dự báo, hiện nay, về quy mô sản xuất, Việt Nam là một công xưởng lớn của thế giới và một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm dịch vụ cạnh tranh của khu vực và trên toàn cầu. Vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của thời đại khi chúng ta xác định không phát triển kinh tế bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế... Theo đó, ngành cần có giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ này, “phải coi chừng tình trạng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu đổ dồn vào Việt Nam”.
 
Thứ hai, làm thế nào để có thể chung tay bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thủ tướng đề nghị ngành cần khẩn trương xây dựng và hoàn thành 4 quy hoạch trong 2 năm tới: Quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch môi trường quốc gia.
 
Bày tỏ quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất đai, Thủ tướng lưu ý bất cập trong định giá quyền sử dụng đất khi mà hiện nay chưa bám sát giá thị trường. Cần đổi mới công tác định giá đất theo các chuẩn mực quốc tế, chống thất thoát, lãng phí. Theo Thủ tướng, hiện nay, còn khoảng 1,9 triệu ha đất chưa sử dụng, cần rà soát, xác định quỹ đất này để đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó, phải phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc; Cần chú trọng các nguy cơ liên quan đến sạt lở, lún sụt, động đất cũng như khám phá các giá trị địa chất Việt Nam để bảo vệ, phát triển du lịch. Phải tiếp tục quản lý tốt hơn việc khai thác cát lòng sông. Có phương án phục hồi các dòng sông “chết”.
 
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngày càng tăng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải ngang tầm nhiệm vụ. Bộ TN&MT cần phấn đấu trở thành ngọn cờ đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ngành TN&MT cần đi đầu trong phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t