Triển khai công tác dân số và phòng, chống dịch năm 2019 (21:09 25/12/2018)


HNP - Sáng 25/12, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và phòng, chống dịch bệnh năm 2018; triển khai kế hoạch năm 2019. Dự hội nghị có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị


Theo Chi Cục DS-KHHGĐ: công tác DS-KHHGĐ đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch Trung ương và thành phố giao, tạo cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 5 năm (2016-2020). Theo thống kê, dân số Thành phố năm 2018 là 7.787.260 người; tỷ suất sinh giảm 0,17%0 so với năm 2017; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 76%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 84,1%; tỷ số giới tính khi sinh là 113 trẻ trai/100 trẻ gái…
 
Đáng chú ý, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ  biến chính sách về dân số được thực hiện hiệu quả. Nội dung và hình thức tuyên truyền liên tục được thay đổi, đa dạng, phù hợp từng nhóm đối tượng cụ thể. Đề án Tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố đã hạn chế số trẻ sinh ra bị dị tật và số trẻ mắc các bệnh chuyển hóa hàng năm. Các mô hình cũng như các kế hoạch được triển khai đúng tiến độ đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu thành phố giao và nâng cao chất lượng dân số. 
 
Đánh giá cao công tác DS-KHHGĐ của thành phố trong năm 2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý yêu cầu trong năm 2019, dựa trên những kết quả đạt được, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với các quận, huyện, thị xã trong công tác DS-KHHGĐ. Đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao chất lượng dân số. Đảm bảo nguồn lực, kiện toàn công tác dân số. Các quận, huyện thị xã cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm dân số, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số cơ sở...
 
Cũng tại hội nghị, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã báo cáo công tác phòng, chống dịch năm 2018. Theo đó, tình hình dịch bệnh năm 2018 trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản ổn định, không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm (nhóm A). Hầu hết các bệnh truyền nhiễm có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017 như sốt xuất huyết, ho gà, nhiễm khuẩn do liên cầu lợn… Một số bệnh có số mắc tăng nhưng đã được khống chế kịp thời như sởi, chân tay miệng, dại, viêm não Nhật Bản. 
 
Cụ thể, tính đến hết ngày 20/12/2018, toàn thành phố đã ghi nhận 4.258 trường hợp bệnh sốt xuất huyết, giảm 88,7% so với cùng kỳ năm 2017; 511 trường hợp mắc sởi, các ca mắc chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi và do chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ; 2.121 trường hợp mắc chân tay miệng, hầu hết các ca mắc nhẹ ở độ 1 và thường tự khỏi; 78 trường hợp mắc ho gà, giảm so với 128 ca mắc năm 2017; các dịch bệnh khác gồm có: 13 ca mắc liên cầu lợn, 10 trường hợp viêm não Nhật Bản, 5 trường hợp mắc não mô cầu, 3 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại…
 
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý ghi nhận những kế quả mà ngành Y tế đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong năm 2018. Bên cạnh những mặt đạt được, Phó Chủ tịch cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế như: Tỷ lệ tiêm phòng còn thấp nên dịch sởi vẫn là vấn đề nổi cộm trong năm qua. Trong khi đó, ý thức người dân về phòng, chống dịch còn chủ quan và thiếu tự giác do công tác truyền thông chưa thực sự hiệu quả. Vệ sinh môi trường chưa được tổ chức thường xuyên…
 
Theo Phó Chủ tịch, Hà Nội có dân số đông và thay đổi, trong khi đó, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan bất cứ khi nào và đây được xem là khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, năm 2019, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị ngành Y tế Thủ đô cần quyết liệt và tập trung hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh kế hoạch toàn diện của Thành phố, đồng chí cũng đề nghị ngành Y tế tiếp tục duy trì kết quả phòng chống dịch bệnh nhất là bệnh sởi, rubela. Các quận, huyện, Trun tâm y tế rà soát từ cấp quận, huyện đến xã, phường, thị trấn phấn đấu đưa tỷ lệ tiêm chủng đạt cao trên 95%. Ngành Y tế đẩy mạnh công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị. Đặc biệt, đổi mới công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao ý thức người dân…

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t