Hà Nội: Chủ động ứng phó khi thị trường hàng hóa phục vụ Tết xảy ra biến động (19:53 18/12/2018)


HNP - Sáng 18/12, đoàn công tác của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương làm việc với Sở Công thương Hà Nội về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; việc quản lý chuyên ngành một số mặt hàng như xăng dầu, rượu, hạ tầng thương mại.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan báo cáo tại cuộc họp


Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, ngay từ tháng 6/2018, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn định hướng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Đến nay, 30/30 quận, huyện đã thực hiện xong công tác chuẩn bị hàng hóa. Sở cũng xây dựng quy trình nắm bắt, tổng hợp và báo cáo thông tin thị trường hàng hóa và Kịch bản ứng phó khi thị trường hàng hóa phục vụ Tết xảy ra biến động.
 
Đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu đa dạng của nhân dân trong dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018). Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát phục vụ Tết trên địa bàn dự kiến sản xuất đưa ra thị trường phục vụ tết giá trị hàng hóa khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán như bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng…
 
Đồng thời, Sở Công thương phối hợp với UBND các quận, huyện thị xã tổ chức các điểm bán hàng phục vụ nhân dân trên địa bàn, tập trung vào dịp cuối năm 2018 như: Tổ chức 10 phiên chợ Việt và trên 380 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân, người lao động khu vực ngoại thành; tổ chức thành công Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2018... Điển hình, Sở Công thương đã tổ chức thực hiện Đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành thuộc thành phố Hà Nội, hình thành hệ thống điểm bán trái cây an toàn phục vụ nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2019. Đến nay, đã có 766 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn 12 quận nội thành đáp ứng yêu cầu của Đề án được cấp biển nhận diện và xây dựng được 33 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. 
 
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát 70 điểm tổ chức chợ Hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp với các sở, ngành Giao thông vận tải, Công an thành phố thống nhất trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
 
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông khẳng định, vai trò của Hà Nội trong việc bình ổn thị trường, kiểm soát chỉ số CPI với tổng mức bán lẻ rất quan trọng. Bộ Công Thương đánh giá cao công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành của Sở Công Thương trong dịp Tết. Hà Nội đã chuẩn bị tốt nguồn hàng và có quy trình xử lý cũng như kịch bản đối phó khi có biến động về hàng hóa là cách làm cần nhân rộng ra các địa phương khác. 
 
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cũng đề nghị Sở Công thương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2019. Đồng thời, kết nối với các Sở NN&PTNT của các tỉnh, thành để đưa nguồn hàng tới các vùng nông thôn. Phối hợp với các sở, ngành triển khai hiệu quả việc bình ổn thị trường; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận trong tạo nguồn hàng để đưa nguồn hàng đến người tiêu dùng, tránh tình trạng khan hàng tăng giá, tạo sự đa dạng nguồn cung trong dịp tết. 
 
Đối với các doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ trong việc dự trữ hàng hóa, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Sở Công Thương chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu trên địa bàn thành phố; báo cáo ngay với Bộ Công Thương nếu có biến động để phối hợp triển khai ứng phó kịp thời. Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác phối hợp với các tỉnh để kiểm tra, giám sát nguồn hàng, từng bước xây dựng chuỗi, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm đến tay người tiêu dùng; đồng thời, kiểm tra, giám sát giá cả, an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ, chợ cóc, chợ tạm.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t