Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XV: Thông qua các nội dung quan trọng (06:50 05/12/2018)


HNP - Chiều 4/12, tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XV, đại biểu đã xem xét, thông qua các nội dung quan trọng: Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 của thành phố Hà Nội; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) cấp thành phố; Nghị quyết về danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên họp


Phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Hà Nội năm 2017

Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là hơn 212,5 nghìn tỷ đồng, đạt 103,8% so với dự toán; thu ngân sách địa phương đạt hơn 138,5 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương là hơn 107 nghìn tỷ đồng, trong đó, chi chuyển nguồn ngân sách địa phương năm 2017 sang năm 2018 là trên 35,2 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2017, có 12/17 khoản thu hoàn thành và tăng so với dự toán. Tuy nhiên, có 5/17 khoản thu không đạt dự toán. Trong đó, thu từ kinh tế quốc doanh là hơn 44,3 nghìn tỷ đồng, đạt 75% dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán được giao cao so với khả năng thực hiện.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải báo cáo tổng quyết toán ngân sách năm 2017

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, vẫn phải bù lỗ của các năm trước; các ngân hàng thương mại cổ phần tăng trích lập dự phòng đối với nợ xấu dẫn đến lợi nhuận tính thuế thu nhập doanh nghiệp giảm; nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nên ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,7 nghìn tỷ đồng, đạt 92,3% dự toán. Nguyên nhân được chỉ ra là do một số đơn vị có sản lượng tiêu thụ và số thuế phát sinh giảm lớn so với năm 2016. Thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt hơn 33,6 nghìn tỷ đồng, đạt 96,4%; thu thuế thu nhập cá nhân là hơn 17,4 nghìn tỷ đồng, đạt 90,7% dự toán.

Ngoài ra, khoản thu khác ngân sách đạt gần 6,5 nghìn tỷ đồng, đạt 92,5% dự toán. Đây là các khoản thu bất thường, không xác định được chính xác từ khâu lập dự toán. Khoản thu này chưa đạt dự toán chủ yếu do năm 2017 không phát sinh số thu chênh lệch tỷ giá ngoại tệ của ngân sách.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn

HĐND thành phố Hà Nội chấp thuận tăng tổng mức vốn đầu tư công cấp thành phố từ 104.723 tỷ đồng lên 119.225 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung từ kết dư ngân sách, từ vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương.

Theo tờ trình của UBND thành phố, sau 3 năm triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020), UBND thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 569 công trình, gồm 205 công trình cấp thành phố, còn lại là công trình cấp huyện được ngân sách thành phố hỗ trợ vốn đầu tư.

UBND thành phố đã báo cáo phương án cân đối nguồn cho nhu cầu tăng thêm 14.500 tỷ đồng trên cơ sở rà soát các nguồn vốn tăng thêm đã xác định được. Cụ thể là kết dư ngân sách năm 2017, vay lại nguồn vốn ODA của Chính phủ năm 2019, tăng nguồn thu từ xổ số kiến thiết và dự kiến huy động từ các nguồn khác (ứng từ nguồn thu cổ phần hóa doanh nghiệp, vay ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi, tăng thu, kết dư giai đoạn 2018-2019 và phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô trong trường hợp cần thiết).

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn

Phương án điều chỉnh, bổ sung cụ thể này tập trung vào một số lĩnh vực nhằm tăng khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể là: Quan tâm đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề với việc bổ sung danh mục 20 dự án do thành phố quản lý và 202 dự án thành phố hỗ trợ mục tiêu cho các huyện với tổng kế hoạch vốn trung hạn tăng thêm gần 5.455 tỷ đồng, đưa tỷ trọng vốn đầu tư cho lĩnh vực này trong tổng vốn trung hạn bố trí cho các dự án xây dựng cơ bản từ 7,47% lên 12,06%; Bổ sung 21 dự án thuốc lĩnh vực thủy lợi với tổng kế hoạch vốn trung hạn tăng thêm hơn 1.860 tỷ đồng, đưa tỷ trọng của lĩnh vực này trong tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án xây dựng cơ bản thuộc Kế hoạch trung hạn từ 8,43% lên 8,9%; Các huyện đang chuẩn bị các điều kiện để chuyển thành quận theo đề án được duyệt và lộ trình dự kiến cũng đã bước đầu được quan tâm, bổ sung các dự án hạ tầng giao thông lớn vào Kế hoạch trung hạn...

Theo báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố cơ bản đồng tình với đề xuất của UBND thành phố, trong đó, việc áp dụng cơ chế giải ngân linh hoạt cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị đầu tư, thanh quyết toán cũng như cơ chế ứng vốn Quỹ phát triển đất của thành phố có thể coi là cách xử lý vấn đề phát sinh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông trình bày danh mục dự án đề nghị thu hồi đất

Thông qua danh mục 1.686 dự án đề nghị thu hồi đất

HĐND thành phố đã thông qua danh mục 1.686/1.736 các dự án mà UBND thành phố đề nghị thu hồi đất và 308/311 dự án chuyển mục đích sử dụng đất.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị UBND thành phố cùng các cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát, bảo đảm chất lượng danh mục các dự án được thông qua.

Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND thành phố thông qua, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố đã có trong kế hoạch đầu tư công của thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2019 của HĐND thành phố. Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện để các quận, huyện bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t