Tập trung triển khai hoàn thành nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2018 (22:09 16/10/2018)


HNP - Chiều 16/10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” trong quý III, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2018. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị


Theo đó, trong thời gian qua, các huyện, thị xã đã bám sát chỉ đạo của Thành phố, chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, thành phố có 126 mô hình, tăng 20 mô hình so với cuối năm 2017. Trong đó, các địa phương có nhiều mô hình như: Mê Linh 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Sóc Sơn 9 mô hình, Thanh Oai 9 mô hình, Phúc Thọ 8 mô hình, Đông Anh 8 mô hình....
 
Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, đã có 118 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tăng 47 mô hình liên kết so với cuối năm 2017. Trong đó các địa phương có nhiều mô hình liên kết như: Ứng Hòa có 21 mô hình, Gia Lâm 18 mô hình, Đông Anh có 14 mô hình, Quốc Oai có 9 mô hình, Sóc Sơn có 9 mô hình, Mỹ Đức có 8 mô hình....
 
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thu nhập và đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, an ninh trật tự an toàn xã hội nông thôn ngày được củng cố. Đã quản lý tốt công tác phòng trừ dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi. 
 
Việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. 
 
Về xây dựng NTM, thành phố cũng đã đạt được các kết quả nổi bật, đến nay, Thành phố có 04 huyện đạt chuẩn NTM, có 294 xã (chiếm 76,16% tổng số xã trên địa bàn Thành phố) được công nhận đạt chuẩn NTM, và 03 xã đang trình Chủ tịch UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018.
 
Các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM đều đang thực hiện duy trì và nâng chất các tiêu chí. Các huyện: Gia Lâm, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thạch Thất phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2018 đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêu chí huyện NTM, chủ động mời các sở, ngành liên quan đến các tiêu chí về hướng dẫn thực hiện.
 
Đặc biệt, các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần được các địa phương quan tâm, các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh“ nhiều địa phương đã phát động phong trào thực hiện đường có hoa, cây cảnh, bức tường bích họa, nhà có số, phố có tên một số huyện đã và đang thực hiện đạt kết quả tốt như huyện Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên...
 
Ngân sách Thành phố đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và dành nguồn lực đáng kể đầu tư cho xây dựng NTM. Từ năm 2016 đến nay, đã đầu tư 26.804,4 tỷ đồng, trong đó 9 tháng đầu năm 2018 đã đầu tư 9.693,5 tỷ đồng. 
 

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy

Mặt khác, các địa phương tích cực tuyên truyền vận động các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp trong phong trào xây dựng NTM. Kết quả từ năm 2016 đến nay, đã đóng góp được 2.503,8 tỷ đồng, trong đó, 9 tháng đầu năm 2018 là 947,4 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách Thành phố ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân năm 2018, với số kinh phí 250 tỷ đồng.

Nhờ đó, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến tháng 6/2018 ước đạt 43,17 triệu đồng/người/năm. Trong đó một số địa phương có thu nhập cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người năm,... tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 2%, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp là: Quốc Oai 0,48%, Gia Lâm 1,0%, Thanh Trì 1,41%, Đông Anh 1,57%,… 
 
Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn Thành phố đến hết năm 2017 đã đạt 86,06%. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao những kết quả, nỗ lực mà các quận, huyện thị xã đã đạt được trong 9 tháng vừa qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng cho rằng: trong giai đoạn tiếp theo các đơn vị cần tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát trển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân với những giải pháp tích cực cụ thể hơn nữa.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch. Hình thành các chuỗi liên kết, các nhãn mác, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản.
 
Đồng thời, tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân. Tiếp tục tuyên truyền vận động các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia thực hiện xây dựng NTM. Vận động các quận tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng NTM. Huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018 để phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2018; phấn đấu đến cuối năm 2018 có thêm 26 xã trở lên đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, tập trung triển khai xây dựng đề án quy hoạch xã NTM điển hình tiên tiến tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh và xã Võng Xuyên huyện Phúc Thọ, đảm bảo đạt yêu cầu và đúng tiến độ, làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn toàn Thành phố trong những năm tới.
 
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các huyện, thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu sớm ban hành hướng dẫn đánh giá, trình tự, thủ tục hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cấp nốt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho các hộ nông dân. Chú trọng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành công tác xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở...

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t