Phát huy vai trò "Tuổi cao, gương sáng" của Người cao tuổi Thủ đô trong phát triển kinh tế (11:02 17/08/2018)


HNP - Trong 5 năm (2012-2017), toàn Thành phố có trên 19 vạn người cao tuổi, chiếm 23,48% tổng số NCT đang trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó, có trên 6.000 NCT là chủ cơ sở sản xuất, chủ trang trại, chủ các công ty thương mại, dịch vụ. Ngoài ra, trên 30 vạn NCT, tỷ lệ 37%, tuy không trực tiếp tham gia làm kinh tế nhưng có vai trò quan trọng trong truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm về quản lý, khoa học, công nghệ, kỹ năng lao động, hỗ trợ về vốn, cơ sở vật chất, điều kiện cho con cháu.

Qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã có hàng vạn NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi, phấn đấu đạt các tiêu chí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có doanh thu và lợi nhuận cao, góp phần giải quyết nhiều việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động, làm giàu chính đáng. Không những thế, NCT còn có tinh thần đoàn kết tương trợ, tạo điều kiện cho người lao động và các gia đình trong khu dân cư phát triển sản xuất, làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tích cực tham gia các hoạt động của Hội, đoàn thể và công tác xã hội; Nêu gương sáng trong hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ NCT khó khăn không nơi nương tựa.

Để có phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, hàng năm, Hội NCT đã tổ chức các hội nghị chuyên đề để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH; về xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh. Nhất là việc tổ chức thông qua các hình thức sinh hoạt câu lạc bô, sinh hoạt chi hội, tổ hội hàng tháng, hàng quý để tuyên truyền, vận động NCT phát huy tiềm năng, kinh nghiệm.

Nhiều cơ sở Hội đã có những hoạt động tích cực đem lại hiệu quả trong việc phối hợp với các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Hội phụ nữ…đã tuyên truyền vận động giúp đỡ NCT tháo gỡ khó khăn để vượt lên làm kinh tế, thoát nghèo, trở thành khá giả và làm giàu chính đáng. Việc phát huy, giữ gìn và phát triển các nghề truyền thống cũng được Hội NCT các cấp quan tâm, kiên trì vận động, tuyên truyền và đem lại kết quả tích cực.

Thực hiện chương trình chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh, các cấp hội NCT Thủ đô, nhất là Hội NCT các xã đã phát huy tốt vai trò, tiềm năng, trí tuệ của NCT, tham gia phát triển kinh tế, góp phần vào việc dồn điền đổi thửa, ứng dụng KHKT để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng lúa, vùng hoa chất lượng cao, trồng rau an toàn, phát triển làng nghề… thông qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó, có NCT.

Trong 5 năm qua, đã có nhiều tấm gương NCT ghi dấu trong các lĩnh vực. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, ông Đào Sỹ Hưởng, sinh năm 1941, thôn Miêu Nha, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Đoàn Minh, chuyên sản xuất tôn mát Việt Hàn. Doanh thu hàng năm trên 600 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu đạt 900 tỷ đồng, đóng góp cho cộng đồng hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 150 lao động với thu nhập cao. Công ty đã được tôn vinh là 1 trong 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2010-2015.

Ông Phạm Văn Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí quốc tế PS, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, doanh thu Công ty khoảng 700 tỷ đồng/năm với trên 200 lao động, mức thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng. Trong 5 năm qua, ông đã đóng góp vài trăm triệu đồng cho các hoạt động xã hội hỗ trợ người khó khăn trên địa bàn và các học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.

Bà Phạm Thị Ngọc Chi, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất, dịch vụ sản phẩm LADODA, doanh thu năm 2017 trên 100 tỷ đồng, nộp ngân sách năm 2017 trên 5 tỷ đồng. Công ty đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động với thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng. Hàng năm, ủng hộ 400-500 triệu đồng cho các chương trình thiện nguyện.

Trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, điển hình là ông Nguyễn Hữu Trọng, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Công ty đã tạo việc làm cho 100 lao động, thu nhập từ 3-20 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thìn, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Tổng Giám đốc Tổng hợp mây tre đan xuất khẩu Thành Long, đã tạo việc làm ổn định cho 300 lao động ổn định, thu nhập tối thiểu 4 triệu đồng/tháng. Doanh thu năm 2017 là 15 tỷ đồng. Doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người khó khăn với số tiền 100 triệu đồng.

Trên lĩnh vực thương mại dịch vụ, điển hình như ông Nguyễn Xuân Hợp, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, đã tạo việc làm cho 100 lao động với thu nhập từ 3-20 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, có thể kể đến bà Lê Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty Thương mại dược phẩm Đông Á, tại Cụm Công nghiệp Bắc Từ Liêm. Bà còn đầu tư công nghệ sản xuất tỏi đen với quy mô lớn ở Bắc Ninh với doanh thu 300 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 350 lao động, bình quân thu nhập cao. Hay ông Lý Văn Nguyên, Nhà thuốc Đông y, thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, chuyên sản xuất, chế biến và khám chữa bệnh bằng cây thuốc Nam của dân tộc Dao - Ba Vì: Doanh thu hàng năm khoảng 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Không thể kể hết những tấm gương hội viên NCT trên khắp địa bàn TP đã vươn lên trở thành những tấm gương trong phát triển kinh tế, tạo ra những mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả để chứng tỏ tiềm năng và vai trò của NCT. Những tấm gương đó là minh chứng rõ nhất trong phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng”, trở thành động lực để NCT Thành phố đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước, đồng thời, cũng là việc làm có ý nghĩa thiết thực làm giàu cho gia đình và xã hội.


Lam Sơn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t