Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận và công tác thanh niên trong tình hình mới (20:44 09/08/2018)


HNP - Chiều 9/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; tổng kết 10 năm Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể, cá nhân


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Lam, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
 
Chất lượng, hiệu quả công tác dân vận đi vào chiều sâu
 
Báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương đánh giá: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), công tác dân vận của hệ thống chính trị Thành phố đã bám sát chương trình công tác của Ban Dân vận Trung ương và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác dân vận, đạt những kết quả quan trọng.
 
Nổi bật là, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ Thành phố đến cơ sở được tăng cường và có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, vận động, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, hạn chế các biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin, ổn định tình hình ngay từ cơ sở.
 
Cùng với đó, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt, dân chủ trong Đảng, trong xã hội được phát huy. Nhiều đơn vị chú trọng xây dựng, thực hiện hiệu quả QCDC trong các loại hình mới, như QCDC trong GPMB, trong khối chợ, trường học, hợp tác xã dịch vụ… góp phần hoàn thành các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Ngoài ra, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh thực hiện dân vận chính quyền, dân vận của lực lượng vũ trang đã nhân lên nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực trong nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của chính quyền các cấp.
 
Đáng chú ý, hoạt động giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn Thành phố được tăng cường và đi vào chiều sâu, nhất là việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân theo Quyết định 2200-QĐ/TU của Thành ủy đã trở thành nền nếp. Năm 2017, các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 72 hội nghị đối thoại; các xã, phường, thị trấn tổ chức 606 hội nghị. 6 tháng đầu năm 2018, cấp Thành phố đã tổ chức 4 hội nghị đối thoại, cấp quận, huyện tổ chức 34 hội nghị và cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 255 hội nghị.
 
Quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên
 
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, trong 10 năm qua, Hà Nội đã có nhiều đề án, dự án, chương trình hành động nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa và ý thức công dân cho Thanh niên. Đặc biệt, Thành phố đã ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên. Trung bình, mỗi năm, Thành phố bố trí 80 tỷ đồng cho các dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp công lập; đồng thời đầu tư trên 116 tỷ đồng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.
 
Cùng với đó, hoạt động dạy nghề tư thục, dân lập được Thành phố khuyến khích phát triển. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 372 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong 10 năm qua đã đào tạo nghề cho trên 1,6 triệu lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2017 đạt 60,7% (gấp đôi so với năm 2008). Đồng thời, giai đoạn 2008-2013, Thành phố bố trí từ 30-35 tỷ đồng/năm hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và vùng ảnh hưởng của GPMB. Từ năm 2013 đến nay, nâng lên thành 50 tỷ đồng, qua đó, trên 127,5 nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề với kinh phí gần 400 tỷ đồng.
 
Tạo điều kiện nâng cao chất lượng công tác dân vận và hoạt động đoàn
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp ủy đảng thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận; vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay. 
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị
 
Đồng thời, thực hiện hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận, chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh.
 
Đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở. Tập trung đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền, dân vận của lực lượng vũ trang, tạo sự chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện đối với tổ chức Đoàn và công tác thanh niên; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên phát huy vai trò xung kích trên mọi lĩnh vực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
 
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện 2 Nghị quyết trên.
 
Cũng tại hội nghị, Thành ủy Hà Nội đã quán triệt, triển khai Hướng dẫn số 02-HD/TU, ngày 9/8/2018, thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017, của Ban Bí thư Trung ương về “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018, của Ban Bí thư Trung ương “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

 


Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t