Khánh thành tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie (17:04 09/08/2018)


HNP - Nhân dịp 45 năm thiết lập quan hệ hữu nghị ngoại giao Việt - Pháp và 25 năm Ngày ký Hiệp định giữa 2 Chính phủ về hợp tác y tế, sáng 9/8, Bệnh viện K tổ chức lễ khánh thành tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie. Tới dự lễ khánh thành có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Oliver Sigaud, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam.

Đại biểu bấm nút khánh thành bức tượng nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie


Bức tượng phần thân phía trên nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie được đặt ngay sảnh chính của Bệnh viện K với chiều cao 60cm và rộng 40cm nhằm ghi nhận, tôn vinh, tri ân những công lao to lớn của nhà khoa học người Ba Lan-Pháp.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm, Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn Bệnh viện K ngày một phát triển theo chiến lược chung của ngành và sớm trở thành bệnh viện hạng đặc biệt.
 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi lễ
 
Cũng tại buổi lễ, Phó Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Oliver Sigaud cho biết, sau 25 năm ký Hiệp định giữa hai chính phủ về hợp tác y tế, Pháp đã hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam hơn 3.000 bác sỹ nội trú tại Pháp và 1.500 bác sỹ sau đại học tại Việt Nam.
 
Nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie (7/11/1867-4/7/1934) là một nhà vật lý và hóa học người Ba Lan-Pháp, đã tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng phóng xạ trong y học như một phương tiện quan trọng để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được 2 giải Nobel trong 2 lĩnh vực khác nhau, Vật lý và Hóa học.

Bệnh viện K được thành lập từ tiền thân là Viện Curie Đông Dương (Insitut Curie de L’Indochine) ra đời tại Hà Nội vào ngày 19/10/1923 do ông Pièrre Moullin phụ trách. Và ngay trong những ngày đầu thành lập Viện, nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie đã gửi những tuyp Radium từ Pháp về Viện để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Sau này, bản thân nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie cùng gia đình người cháu ruột của bà là GS.Heslene Langevin-Jolio, Đại học Paris South Orsay đã có nhiều đóng góp trong công tác đào tạo, xây dựng và phát triển Viện cũng như trong công tác vận động hỗ trợ các nguồn lực cho Viện. Viện Curie Đông Dương sau nhiều lần đổi tên, đến ngày 1/7/1969, Bộ Y tế ra Quyết định thành lập Bệnh viện K và tồn tại cho đến nay. Dù từng mang nhiều tên gọi khác nhau nhưng tên của nhà khoa học Marie Sklodowska-Curie mãi là một phần lịch sử quan trọng, đầy tự hào của các thế hệ cán bộ, công nhân viên của bệnh viện.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t