10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW:


Chuyển biến rõ nét trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng (16:21 10/08/2018)


HNP - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Thành phố Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết với cách làm bài bản, khoa học, trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, gắn với củng cố những tổ chức cơ sở đảng yếu kém.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho các tập thể có thành tích xuất sắc sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22


Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng
 
Liên tục trong 10 qua, vấn đề xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên luôn là nhiệm vụ cốt lõi của Đảng bộ Hà Nội, được xác định, cụ thể hóa thành các Chương trình công tác lớn, như: Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XIV “Tạo bước chuyển biến mạnh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng giai đoạn 2006-2010”; Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XV, XVI về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên… và luôn bám sát 3 mục tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 22-NQ/TW.
 
Hà Nội triển khai các nhiệm vụ trên với tinh thần sáng tạo, quyết liệt và có trọng tâm, trọng điểm. Xuất phát từ thực tiễn hệ thống chính trị ở cơ sở thôn, tổ dân phố thiếu đồng bộ, có nơi nhiều chi bộ cũng lãnh đạo 1 thôn… Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Kết quả sau khi thực hiện Đề án, toàn Thành phố đã giảm trên 2 nghìn thôn, tổ dân phố; chia tách, sáp nhập các chi bộ thôn, tổ dân phố để thành lập 503 chi bộ thôn, tổ dân phố và 24 đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn, qua đó, giảm 985 chi bộ và gần 5 nghìn cán bộ. Từ đó, đã giúp tiết kiệm cho ngân sách, đồng thời, tạo sự đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
 
Đặc biệt, cùng với nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng, thành phố Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm củng cố những tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Nhiệm vụ này đã được đặt ra với yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi cao hơn khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 04/7/2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Trong một thời gian ngắn (tính đến hết năm 2017), có 75/86 tổ chức cơ sở đảng được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; nhiều vấn đề dân sinh bức xúc được các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.
 
Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương duy nhất ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27/02/2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”, nhằm xây dựng và phát huy vai trò, vị trí của tổ chức đảng, của các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo đến đời sống, việc làm của người lao động. Sau 5 năm thực hiện, toàn Đảng bộ đã thành lập mới 856/1036 tổ chức đảng (đạt 88,15% chỉ tiêu Nghị quyết), phát triển được 5.964 đảng viên mới…
 
Triển khai bài bản quy trình công tác cán bộ
 
Trong 10 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo, thực hiện toàn diện các khâu công tác cán bộ, trong đó, tập trung vào những khâu cấp thiết như hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, từ cán bộ chủ chốt quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn; cán bộ Chủ tịch, Phó Chủ tịch MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố; cán bộ trưởng, phó phòng và tương đương các ban Đảng Thành ủy Hà Nội… Chính vì thế, chất lượng đội ngũ cán bộ của Thành phố được nâng lên và đồng đều ở các quận, huyện. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, “10 năm trước, nhiều huyện khi mới hợp nhất chỉ có hơn 30% số cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học, đến nay, gần 95% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học, ở cấp Thành phố và quận, huyện, thị xã là 100%”. 
 
Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Hà Nội thực hiện với nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng lên. Nổi bật là công tác đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn, tăng cường cho cấp cơ sở theo Đề án 07-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Thành ủy Hà Nội. Đến nay, trên 1 nghìn cán bộ nguồn khối đảng, đoàn thể và xã, phường, thị trấn được đào tạo, phân công về các cơ quan, đơn vị để công tác, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ kế cận có chất lượng.
 
Đặc biệt, nhằm tập trung tạo chuyển biến thực chất cho một khâu còn yếu trong công tác cán bộ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo thực hiện đồng bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, như Quy định “Đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, “Quy định tạm thời về đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở”, đồng thời, thực hiện phân cấp đánh giá cán bộ trên quan điểm “Ai giao việc - Người đó đánh giá”. Mới đây, Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong thực hiện việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII).
 
Nâng lên tầm cao mới
 
Từ thực tiễn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội đã rút ra 7 bài học kinh nghiệm quý. Trong đó, phải tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tham gia xây dựng Đảng; quá trình xây dựng tổ chức cơ sở Đảng phải kết hợp chặt chẽ với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh. Ngoài ra, phải không ngừng nâng cao nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là người cấp ủy, chính quyền các cấp.
 
Những kết quả trong 10 năm qua là tiền đề quan trọng để Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với những yêu cầu cao hơn. Trước mắt là thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, với mục tiêu đến năm 2021, Hà Nội phải giảm ít nhất 10% biên chế hành chính, sự nghiệp. Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện việc nhất thể hóa một số chức danh như: Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND; Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận, huyện, thị xã; sáp nhập Văn phòng HĐND thành phố và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố…
 
Hà Nội cũng được Trung ương giao thí điểm xây dựng cơ chế quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận. Đây là nhiệm vụ mới và khó, song Thành phố đã thực hiện rất bài bản, từ việc thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, tổ chức khảo sát thực tế đến xây dựng Đề án thí điểm để báo cáo Trung ương trong quý 4/2018.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t