10 năm mở rộng địa giới hành chính: Đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực (13:35 28/07/2018)


HNP - “Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng, diện mạo, tầm vóc. Hạ tầng đô thị, giao thông từng bước được đầu tư xây dựng và nâng cấp hiện đại ở đô thị trung tâm và các huyện ngoại thành, vùng xa trung tâm”, đó là những nhận xét, đánh giá của một số đại biểu về thành tựu của Thủ đô sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm


Nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm: Thực hiện Nghị quyết với phương châm “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”
 
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, đồng chí Bùi Duy Nhâm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chia sẻ: nhớ lại những ngày này cách đây 10 năm, nhiều câu hỏi đặt ra lúc bấy giờ, liệu Thành phố Hà Nội có đủ khả năng quản lý, bao quát được khối lượng công việc to lớn và khó khăn, đòi hỏi phải giải quyết. Từ việc hợp nhất bộ máy, tổ chức, cán bộ đến nhiệm vụ quản lý đô thị, xây dựng, phát triển khu vực nông thôn rộng lớn; quản lý và phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ cũng như đảm bảo sự vững vàng trong mọi tình huống trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh…
 
“Với trách nhiệm của những người đứng đầu Thành phố lúc bấy giờ, tập thể lãnh đạo Thành phố chúng tôi đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng rất vinh dự, tự hào. Chúng tôi đã gạt bỏ những băn khoăn cùng nhau quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”, đồng chí Bùi Duy Nhâm nói.
 
Theo đồng chí Bùi Duy Nhâm, 10 năm qua là khoảng thời gian không dài nhưng Thủ đô Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng, diện mạo, tầm vóc, vị thế của Thủ được nâng cao. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Hạ tầng đô thị, giao thông từng bước được đầu tư xây dựng và nâng cấp hiện đại ở đô thị trung tâm và các huyện ngoại thành, vùng xa trung tâm. Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng. Văn hóa xã hội có tiến bộ. Đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện. 
 
“Tuy vẫn còn một số hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, nhưng có thể khẳng định sau 10 năm hợp nhất, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước. Nhiều lo lắng, băn khoăn về sự thành công đặt ra trước và sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết đã dần được giải tỏa. Điều đó khẳng định tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đồng thời, khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực vượt bậc, tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền, sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô”, đồng chí Bùi Duy Nhâm nói.
 
Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội: Lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống
 
Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội đã mở ra một vận hội mới cho Thủ đô, ôm trọn trong mình thế mạnh của cả hai vùng đất “địa linh nhân kiệt” tự ngàn đời, hai vùng văn hóa lớn là Thăng Long và Xứ Đoài cùng một số vùng phụ cận xung quanh.
 
Nhà thơ Bằng Việt phát biểu tại Lễ kỷ niệm
 
Thủ đô mới hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh của dân tộc. Sau khi hợp nhất, Hà Nội trở thành địa phương giàu có nhất nước về di sản văn hóa, gồm 5.922 di tích, có 1 Di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long), 3 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại; 1 Di sản tư liệu thế giới; 12 di tích Quốc gia đặc biệt và trên một nghìn di tích Quốc gia. Hà Nội cũng được xếp hàng đầu cả nước về việc tổng kiểm kê có 1.793 các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.
 
Theo nhà thơ Bằng Việt, sau 10 năm, chúng ta vui mừng nhận thấy sự hòa quyện giữa vùng đất văn hiến Thăng Long với tinh hoa văn hóa xứ Đoài cùng các vùng văn hóa khác vẫn được gìn giữ tốt đẹp, phát huy thế mạnh cùng Thủ đô tiến lên văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất được nâng cao cùng với việc bồi đắp đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên. Các lễ hội dân gian được chú trọng đi sâu vào bản chất, tước bỏ các yếu tố mê tín dị đoan, tự nhiên chủ nghĩa, phô trương hình thức, lãng phí…để phù hợp với phong tục mới. 
 
“10 năm qua, không phải là quãng thời gian vật chất không quá dài so với lịch sử hàng ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội, nhưng chúng ta đã được chứng kiến văn hóa Thăng Long cùng văn hóa Xứ Đoài và các vùng văn hóa khác, đã có điều kiện tổng hòa với nhau một cách tinh tế, hài hòa, chắt lọc, bổ sung cho nhau, để tới lúc sẽ cùng hợp thành một dòng chảy tinh hoa duy nhất đó là văn hóa Thủ đô. Hà Nội mở rộng đã tạo nên một tầm cao mới, vị thế mới của văn hóa Thủ đô, đã khẳng định văn hóa thực sự là nguồn lực nội sinh, là sức mạnh mềm, là động lực để phát triển bền vững Thủ đô trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, nhà thơ Bằng Việt nói.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu: Phát triển nông nghiệp, đời sống nông dân được nâng cao
 
Còn theo đánh giá của đồng chí Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn): 10 năm qua, Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, với chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách an sinh xã hội, qua đó đã tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng của người nông dân.
 
Bà Hoàng Thị Hậu phát biểu tại Lễ kỷ niệm
 
Đối với xã Thanh Xuân, Hội Nông dân xã đã xác định chọn mô hình rau hữu cơ làm hướng đột phá để xây dựng và phát triển kinh tế. Được sự giúp đỡ của các cấp, ngành và huyện Sóc Sơn, đến nay, diện tích sản xuất đã mở rộng lên 30,5ha với 235 hội viên tham gia, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Mỗi năm đưa ra thị trường trên 1.000 tấn rau, củ, quả các loại. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần người nông dân xã Thanh Xuân đã có sự cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đã đạt 39 triệu đồng/năm (so với 12 triệu đồng năm 2008).
 
“Có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ, hội viên và nông dân, còn là thành công của chủ trương, nghị quyết, chính sách của các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở; khẳng định hướng đi đúng đắn của Thành phố đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân trong những năm qua”, bà Hoàng Thị Hậu nói.
 
Anh Tạ Đình Huy (huyện Chương Mỹ, Hà Nội): Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã mang lại nhiều đổi thay tích cực cho quê hương tôi
 
Anh Tạ Đình Huy chia sẻ về thành quả sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính tại địa phương
 
Bày tỏ vui mừng và phấn khởi trước sự đổi mới của quê hương, của Thủ đô, và chính bản thân gia đình trong 10 năm qua, anh Tạ Đình Huy cho biết: quê anh vốn là một xã thuần nông, bà con nông dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Qua 10 năm mở rộng địa giới hành chính, đời sống của bà con nhân dân được cải thiện, không còn lạc hậu. Bình quân thu nhập đầu người từ 6 triệu đồng/người/năm vào năm 2008 lên 38 triệu đồng/người/năm vào năm 2017. 
 
“Phải nói rằng, Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính đã thực sự có hiệu quả, mang lại nhiều đổi thay mang tích cực cho quê hương tôi”, anh Tạ Đình Huy chia sẻ. 
 
Bà Phùng Thị Thanh, Chủ tịch MTTQ xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội: Đời sống dân sinh được đảm bảo 
 
Bà Phùng Thị Thanh tham dự Lễ kỷ niệm
 
“Tôi thấy cuộc sống của người dân được cải thiện và quan tâm hơn rất nhiều sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, nhất là các cụ già. Trong đời sống dân sinh được đảm bảo, được cung cấp điện nước đầy đủ. Đặc biệt, tôi thấy sự thay đổi rõ rệt trong việc cải cách hành chính, kỷ cương hành chính đã chỉn chu hơn trước rất nhiều”. 
 
Cán bộ và nhân dân xã mong muốn tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng để cải thiện việc đi lại của người dân, để người dân an cư lạc nghiệp, bà Phùng Thị Thanh mong muốn.
 
Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Nguyễn Giáp Dần: Phát triển toàn diện sau 10 năm sáp nhập về Thủ đô
 
Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần
 
“Sau 10 năm  mở rộng địa giới hành chính, xã Yên Bình đã phát triển trên mọi lĩnh vực. Theo đó, trước năm 2008, xã chỉ đạt bình quân đầu người 9 triệu đồng/người/năm và đến năm 2017 đã tăng lên 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2007 là trên 14% nhưng đến hết năm 2017 chỉ còn 2%... Vì vậy, người dân xã Yên Bình rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và phấn khởi khi được sáp nhập về với Thủ đô. Người dân xã Yên Bình sẽ quyết tâm trong thời gian tới sẽ nâng được thu nhập bình quân đầu người lên cao hơn nữa để cải thiện cuốc sống”, ông Nguyễn Giáp Dần nói.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t