10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô:


Bài 8: Đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông (09:17 27/07/2018)


HNP - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII (1/8/2008 - 1/8/2018) về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô đã có nhiều thay đổi đáng kể. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu vượt được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín.

Giao thông đô thị Hà Nội đã có sự thay đổi rõ nét trong 10 năm qua


Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trước khi thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, các địa phương thuộc phạm vi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đều là vùng giáp ranh, hệ thống hạ tầng GTVT đã có sự gắn kết mật thiết và ảnh hưởng lẫn nhau, tuy nhiên, do chính sách đầu tư và cơ chế quản lý khác nhau, dẫn đến thiếu sự đồng bộ về quy mô cũng như hạ tầng kỹ thuật, vẫn còn thiếu nhiều hệ thống cầu vượt sông tại những nơi địa giới hành chính cũ là sông và mương thủy lợi lớn.
 
Về vận tải hành khách công cộng, mạng tuyến buýt tại thời điểm trước khi mở rộng địa giới hành chính trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 60 tuyến buýt (bao gồm 940 xe vận hành) và được Thành phố trợ giá. Địa bàn tỉnh Hà Tây có 8 tuyến xe buýt (bao gồm 115 xe vận hành), chưa có chính sách trợ giá cho vận tải hành khách công cộng.
 
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, với sự triển khai đồng bộ các giải pháp, từ chính sách đến xây dựng hạ tầng đô thị, kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô đã có bước phát triển đáng kể, được thể hiện bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng khoảng 0,28% đất đô thị/năm, theo đó năm 2010 (đạt 7%), năm 2015 (đạt 8,65%) đến năm 2017 (đạt khoảng 9,2%). 
 
Trong 10 năm qua, Sở GTVT đã hoàn thành được 223km đường xây mới, đã tổ chức xây dựng hoàn thành 03 cầu lớn (cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh); xây dựng mới 09 cầu vượt nhẹ trực thông tại các nút giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn, tắc giao thông như: Cầu vượt nút giao Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng; cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Thái Hà; nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã; Trần Khát Chân - Kim Ngưu, cầu vượt nút trung tâm quận Long Biên, cầu vượt nút giao thông Nam Hồng - Huyện Đông Anh, cầu vượt nút giao Nguyễn Khoái, cầu vượt nút giao Cổ Linh; xây dựng mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới; 68 hầm chui dân sinh…
 
Cùng với đó, các tuyến đường Vành đai cũng cơ bản được khép kín, như tuyến đường Vành đai 1 Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; xây dựng khép kín đường Vành đai 2, đoạn Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - cầu Chui - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Minh Khai; xây dựng một số đoạn tuyến của tuyến đường Vành đai 2,5: đoạn Nguyễn Văn Huyên, đoạn Trung Kính, đoạn Hoàng Minh Giám; xây dựng một phần tuyến đường đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm, đồng thời đang triển khai xây dựng phần đường Vành đai 3 cao tốc cho đoạn cầu Thăng Long - Mai Dịch.
 
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, trong 10 năm qua, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho Thành phố triển khai nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông như: Đẩy mạnh cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng; Tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống đường giao thông; tổ chức giao thông hợp lý; Triển khai các giải pháp tổ chức giao thông mang tính tổng thể… đến nay, số điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc đã giảm từ 124 điểm (năm 2009) xuống còn 37 điểm (năm 2017). Hiện tượng ùn tắc giao thông đã được cải thiện và được dự luận nhân dân đánh giá cao.
 
Đối với quy hoạch giao thông tĩnh, Thành phố đã lập quy hoạch xây dựng các bến, bãi đỗ xe, giao Sở GTVT Hà Nội  phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nghiên cứu, lập Đồ án và trình cấp có thẩm quyền để thẩm định phế duyệt Đồ án. Hiện nay, Đồ án đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch xây dựng thành phố xem xét có ý kiến, Viện Quy hoạch xây dựng đang triển khai hoàn chỉnh Đồ án theo ý kiến của cơ quan thẩm định. 
 
Vận tải khách công cộng của Hà Nội từ sau khi hợp nhất đến nay đã có bước tiến vượt bậc
 
Vận tải khách công cộng của Hà Nội từ sau khi hợp nhất đến nay đã có bước tiến vượt bậc, từ việc mở rộng mạng lưới hoạt động ra 30 quận, huyện, thị xã, tới việc nâng cao chất lượng phục vụ. Nhờ vậy, sau 10 năm vận tải hành khách công cộng  bằng xe buýt Hà Nội có 112 tuyến, tăng 64% so với năm 2008. Mạng lưới xe buýt với sản lượng trên 430 triệu lượt hành khách/năm.
 
Đặc biệt từ ngày 1/1/2017, Hà Nội đã đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT 01 bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã. Sản lượng năm 2017 đạt gần 5 triệu lượt khách,  bình quân 40,1 khách/lượt, 13.667 khách/ngày. Nhờ có làn đường dành riêng, xe BRT chạy được thông thoát, êm thuận, tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/h (chạy nhanh hơn 30% so với buýt thường). Tỷ lệ hành khách chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng tuyến buýt BRT đạt 58,6%. Đây là tuyến có sản lượng khách vé tháng một tuyến cao nhất, doanh thu đứng thứ 3 toàn mạng lưới. 
 
Bên cạnh đó, một loại hình vận tải khách công cộng mới cũng đang được Thành phố gấp rút triển khai, hướng tới mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, giảm phương  tiện cá nhân, đó là đường sắt đô thị. Hiện đang khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị số 3, Nhổn - Ga Hà Nội…
 
Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xanh, sạch, đẹp, xứng tầm là Thủ đô của cả nước và khu vực. Giai đoạn trước mắt sẽ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng khung để tạo sự thay đổi tích cực cho hạ tầng GTVT Thủ đô, đáp ứng nhu cầu vận tải của Thủ Đô và cả nước. Tập trung ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn (Đường sắt đô thị, BRT, Monorail...).
 
Bên cạnh đó, sẽ tập trung giải quyết, xử lý và khắc phục các điểm thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với thực tế và nhu cầu của lưu lượng giao thông tại từng thời điểm, đảm bảo không xảy ra ùn tắc giao thông.
 
Đặc biệt, Thành phố đặt mục tiêu từng bước thiết lập hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn, bao gồm: Xây dựng trung tâm quản lý điêu hành vận tải hành khách công cộng, Trung tâm điêu hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông, Trung tâm điều hành mạng lưới đường cao tốc trên địa bàn thành phố; thiết lập các hệ thống kiểm soát phương tiện và tải trọng phương tiện, hệ thông giám sát hành trình cho xe tải, xe khách...
 
Thành phố sẽ thí điểm sử dụng năng lượng sạch trong giao thông vận tải; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t