Hà Nội luôn kiên trì đồng hành cùng doanh nghiệp (20:18 17/06/2018)


HNP - Bên lề Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” phóng viên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội đã phỏng vấn Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung về các vấn đề liên quan đến chính sách thu hút đầu tư của TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao đổi thông tin bên lề hội nghị


P/V: Kính thưa Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, xin đồng chí cho biết Hà Nội đã có chính sách ưu tiên như thế nào để thúc đẩy hoạt động thu hút các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài?
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Với chính sách kiên trì, kiên định nên TP Hà Nội luôn luôn đồng hành với DN, trong đó, có các doanh nghiệp nước ngoài. Trong thu hút đầu tư, các danh mục dự án đầu tư đều được thành phố Hà Nội công khai, khi có nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu dự án thì UBND TP phân công lãnh đạo TP, lãnh đạo các sở, ngành tiếp và trả lời thấu đáo những khúc mắc và những vấn đề DN cần tìm hiểu... Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội hướng dẫn DN đầu tư thiết lập hồ sơ một cách chặt chẽ và khi đủ các điều kiện cần thiết TP Hà Nội sẽ bớt cho DN một số thủ tục hành chính qua đó giúp DN nhanh chóng đầu tư vào Hà Nội.
 
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, cụ thể, đã yêu cầu Sở KH&ĐT rà soát lại toàn bộ các quy trình thủ tục, đồng thời, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin. Đến nay, 100% việc đăng ký thành lập DN đều thực hiện trên mạng intenet. Để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN, UBND TP Hà Nội đã đề xuất với Thành ủy, HĐND TP đưa ra Kỳ họp thứ 6 HĐND Thành phố, sẽ họp vào đầu tháng 7/2018 thông qua, để từ ngày 1/8/2018, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thủ tục thành lập doanh nghiệp. Khi thành lập doanh nghiệp sẽ chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận theo địa chỉ đăng ký.
 
P/V: Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng (tương đương hơn 17 tỷ USD) vậy để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện những dự án này, xin Chủ tịch cho biết UBND TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện như thế nào cho các nhà đầu tư thực hiện dự án?
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Trong 71 dự án đầu tư được UBND TP Hà Nội trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư có những dự án quy mô rất lớn đặc biệt là dự án TP thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với vốn đầu tư là 94.349 tỷ đồng của Tập đoàn Sumimoto (Nhật Bản). Trước khi trao giấy chứng nhận đầu tư cho DN này, UBND TP Hà Nội đã xem xét một cách kỹ lưỡng, đây cũng là việc UBND TP đã thực hiện một cách nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện nghiêm túc các cam kết của Chính phủ 2 nước Việt Nam - Nhật Bản trong việc xúc tiến đầu tư, kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung TP Hà Nội nói riêng. Ngay từ năm 2015, Tập đoàn Sumimoto đã đề xuất đầu tư vào dự án TP thông minh. Ssau gần 3 năm xem xét các điều kiện nhà đầu tư đưa ra, đồng thời, cũng là thời gian để nhà đầu tư hoàn thiện các hồ sơ xác định, chứng minh thông qua dự án này Hà Nội sẽ xây dựng được TP thông minh. Trong thời gian tới, TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục giao đất và các thủ tục liên quan để nhà đầu tư sớm khởi công dự án này.
 
P/V: Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện các dự án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác giải phóng mặt bằng đã gây trở ngại không nhỏ cho DN trong quá trình triển khai dự án đầu tư. Vậy Hà Nội sẽ có chính sách và hỗ trợ DN đầu tư như thế nào để có được mặt bằng “sạch” để triển khai dự án?
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Hiện nay, quá trình phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn Hà Nội cũng gặp nhiều vướng mắc khó khăn, tuy nhiên, trong quá trình xem xét các thủ tục đầu tư, TP Hà Nội đã xem xét và thực hiện chặt chẽ, trên cơ sở đó TP sẽ công bố, tuyên truyền công khai tới người dân nơi dự án triển khai, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các quận, huyện trong quá trình truyền thông dự án tới người dân để tạo sự đồng thuận nhất của người dân trong quá trình triển khai các dự án.
 
P/V: Việc đầu tư, cải tạo các chung cư cũ của Hà Nội hiện nay còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn, để hỗ trợ các nhà đầu tư, TP Hà Nội sẽ có những biện pháp gì để thúc đẩy các dự án cải tạo chung cư cũ?
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Về Dự án cải tạo các chung cư cũ đã được UBND TP Hà Nội lập danh mục và đưa ra kêu gọi công khai các nhà đầu tư tham gia thực hiện tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 04/06/2016. Đến nay, Hà Nội đã thu hút 18 DN đầu tư đăng ký lập dự án 28 khu chung cư cũ, các nhà đầu tư cũng đã hoàn thành 16 đồ án quy hoạch và đưa ra các ý tưởng thiết kế, kiến trúc cho những dự án cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện những dự án này cũng đang gặp phải những khó khăn vướng mắc về cơ chế, hệ số bồi thường đối với những hộ gia đình đang ở chung cư cũ, cũng như thủ tục xác định thời hạn phá dỡ những tòa nhà này phải đạt cấp độ D mới có thể di dời... Một khó khăn nữa là việc các nhà đầu tư thường đưa ra 2 phương án khác nhau, một phương án là tuân thủ đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của quy hoạch xây dựng... Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này lại không đảm bảo phương án tài chính của nhà đầu tư. Chính vì vậy, DN đầu tư đều đề xuất phương án 2 là giảm mật độ xây dựng nhưng tăng chiều cao... phương án này đòi hỏi việc cải tạo được các chung cư cũ thực hiện một cách suôn sẻ thì Chính phủ, Quốc hội cần phải có chính sách, quy định mới phù hợp với thực tế thì nhà đầu tư mới có thể thực hiện một cách thuận lợi. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo, qua đó tổng hợp ý kiến của nhà đầu tư, nguyện vọng của nhân dân... trên cơ sở đó, TP Hà Nội sẽ tập hợp báo cáo Chính phủ và Thường vụ Quốc hội để đề xuất các cơ chế chính sách tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đồng thời, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước, người dân với nhà đầu tư.
 
P/V: Thưa Chủ tịch, một vấn đề lớn hiện nay là kêu gọi xã hội hóa, đây là một biện pháp rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Vậy Hà Nội thực hiện hiện việc này như thế nào để kêu gọi được nguồn vốn XHH cao nhất và đảm bảo minh bạch, công khai, tạo được sự đồng thuận xã hội.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Để đảm bảo cho mục tiêu phát triển cũng như mục tiêu đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn Hà Nội thì việc kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ các DN trong nước và nước ngoài. Để thực hiện điều đó đòi hỏi phải cải cách hành chính để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi có nguyện vọng đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục trong thời gian nhanh nhất nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư. Hiện, nguồn vốn đầu tư công hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng được 15-17%, như vậy, Hà Nội phải kêu gọi xã hội hóa vốn đầu tư cho 80-83% nhu cầu cần thiết. Để tháo gỡ vấn đề này, hiện, TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bên cạnh đó, cũng tập hợp vướng mắc khó khăn trên các lĩnh vực BT, BOT... qua đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách, quy trình mới theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho DN nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ đảm bảo lợi ích nhà nước, người dân.
 
Xin cảm ơn Chủ tịch đã dành thời gian trao đổi!

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t