Tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế (12:52 17/06/2018)


HNP - Tại phần tham luận trong khuôn khổ Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" diễn ra sáng 17/6, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy sự hợp tác, phát triển với Hà Nội.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Hội nghị


Ban Chủ tọa điều hành buổi thảo luận gồm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.
 
Các tỉnh, thành mong muốn thúc đẩy hợp tác, liên kết cùng Hà Nội để phát triển kinh tế
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại hội nghị
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho biết: Trong thời gian qua, TP Hải Phòng tích cực thực hiện nhiệm vụ chủ tịch, thông qua đó, đôn đốc các vùng, xây dựng kế hoạch thức hiện hoạt động hợp tác vùng năm 2017 - 2018, ban hành kế hoạch, hoạt động liên kết hợp tác với cấc tỉnh TP trong vùng. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, TP Hải Phòng đã phối hợp với Bộ GT&VT cùng các địa phương trong vùng triển khai nhiều dự án đầu tư, xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch góp phần phát triển hạ tầng kết cấu giao thông thúc đẩy kinh tế trong vùng. 
 
Với vai trò cửa ngõ Hà Nội và vùng kinh tế phía Bắc, hệ thống cảng biển của Hải Phòng không ngừng được đầu tư nâng cấp, với hơn 40 cảng biển thương mại, hệ thống cảng biển Hải Phòng đã xử lý phần lớn hàng hóa với tổng lượng trên 92 triệu tấn/năm 2017, và gần 42 triệu tấn trong nửa đầu năm 2018, tăng cao 17,17 % so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 13/5, Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng đã được đưa vào sử dụng, cho phép hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ và ngược lại, góp phần giảm mạnh chi phí hàng hóa, nhờ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN phía Bắc. 
 
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành cam kết tiếp tục nỗ lực làm tốt vai trò với Hà Nội nói riêng và cả vùng kinh tế Bắc Bộ nói chung. TP Hải Phòng cũng mong muốn Trung ương tiếp tục hỗ trợ Hải Phòng và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế phía Bắc tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, mong muốn đẩy mạnh liên kết với tất cả các tỉnh, thành nhất là với thành phố Hà Nội.
 
Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng
 
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng cho biết: Với thế mạnh có 2 khu du lịch cấp quốc gia, 7 khu du lịch cấp tỉnh và cơ sở vật chất được nâng cao, sản phẩm du lịch đa dạng, Ninh Bình đã tạo ra sức hấp dẫn với du khách . Qua đó, năm  2017, tỉnh đã đón 7,5 triệu lượt khách và trên 4,5 triệu trong đầu năm 2018, qua đó, tạo lượng lớn việc làm cho người dân, đồng thời, duy trì bảo tồn di tích văn hóa lịch sử nhằm phát triển du lịch bền vững.
 
Để thúc đẩy phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, đồng thời đẩy mạnh liên kết hợp tác với các tỉnh cũng như Thủ đô Hà Nội. Định hướng phát triển ngành du lịch phát triển theo hướng du lịch lịch sử, văn hoá, du lịch thiên nhiên, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng. Theo kế hoạch, Ninh Bình sẽ đăng cai Năm du lịch quốc gia năm 2020 với chủ đề "Con đường Di sản Thế giới của Việt Nam". Để chuẩn bị tốt cho sự kiện này, Ninh Bình mong muốn tiếp tục hợp tác với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là TP Hà Nội thông qua khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch địa phương, tiếp tục thu hút các DN nước ngoài đầu tư vào sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm phát triển du lịch bền vững.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy tham luận tại hội nghị
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Công Thủy cho biết: Trong bối cảnh hội nhập phát triển liên kết vùng có yếu tố then chốt để cùng nhau phát triển bền vững, trong đó việc phát triển cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng tác động trực tiếp đến sự phát triển của các tỉnh, thành. Nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong quá trình phát triển liên kết vùng, thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã hợp tác với nhiều tỉnh, thành để phát triển hệ thống giao thông nhất là hệ thống giao thông kết nối Phú Thọ - Hà Nội. Qua đó, đã hợp tác đầu tư cầu Đồng Quang kết nối tỉnh Phú Thọ với huyện Ba Vì; đang triển khai thi công cầu Việt Trì - Ba Vì, dự kiến, sẽ hoàn thành vào dịp cuối năm 2018, khi hoàn thành sẽ kết nối quan trọng giữa Phú Thọ với các tỉnh vùng tây bắc với Thủ đô Hà Nội. Đối với hệ thống vận tải đường thủy, có tuyến đường thủy trên sông Lô, sông Hồng, sông Đà đã đáp ứng được vận tải hàng hóa trên tuyến đường thủy Việt Trì - Hà Nội. Hệ thống vận tải đường sắt có tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách của TP Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc.
 
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, việc hỗ trợ liên kết vùng còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông trục chưa có kết nối rộng, việc đầu tư kết nối với phát triển vận tải thiếu đồng bộ, không gian phân tán, manh mún... Để khắc phục những hạn chế này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị cần thúc đẩy hơn nữa liên kết vùng gắn với phát triển hạ tầng giao thông, đề nghị TP Hà Nội với vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của vùng Thủ đô tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ các tỉnh trong vùng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng, giới thiệu các nhà đầu tư trên địa bàn các tỉnh trong vùng.
 
Cần tận dụng các lợi thế để có những đột phá trong phát triển kinh tế
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
 
Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ ấn tượng đối với những kết quả phát triển của Hà Nội trong thời gian qua. Hà Nội đã liên tục đổi mới, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh đầu tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2016 tăng 10 bậc lên 14/63 và năm 2017 tăng 1 bậc, xếp 13/64 tỉnh thành, về CCHC trong năm 2016 tăng 6 bậc và 2 bậc năm 2017 lên vị trí thứ 2 trong cả nước. Số lượng DN tăng nhanh góp phần to lớn vào các thành tựu của Thủ đô. Kinh tế liên tục tăng trưởng nhanh với 7,15% năm 2016, 7,3% năm 2017 và ước tăng 7,07% trong 6 tháng đầu năm. 
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi cấu trúc và tạo cơ hội cho các đô thị. Đây vừa là cơ hội và thách thức lớn. Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Hà Nội có lợi thế vượt trội và cần tận dụng được những lợi thế để giúp Thủ đô tiếp tục là đầu tàu phát triển cho cả vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng như cả nước.
 
Để phát triển nhanh bền vững, Hà Nội cần được đặt trong sự phát triển tổng thế của vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP Hà Nội cần tiếp tục đi đầu trong đổi mới KH-CN, tranh thủ cơ hội từ cách mạng 4.0. để phát triển đô thị. Tăng cường liên kết mạng lưới đô thị, là trung tâm đồng thời phát triển đô thị vệ tinh thông minh và hài hòa về việc làm giao thông, qua đó, giải quyết lâu dài bền vững các vấn đề của đô thị hóa. Mở rộng liên kết không gian ngoại vùng và nội vùng với cả nước, quốc tế, rút ngắn trình độ công nghệ với các nước phát triển, tăng cường liên kết địa phương theo cả chiều dọc và ngang, đan xen hợp tác và cạnh tranh. Xây dựng cơ chế liên kết tạo hành lang, trong đó, DN là trung tâm, dưới sự tạo điều kiện, định hướng, đưa ra tầm nhìn của chính quyền địa phương, cần nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy liên kết vùng. 
 
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, Thủ đô đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Số lượng các dự án trong và ngoài nước đầu tư vào Hà Nội đang tăng nhanh, các DN được thành lập mới ngày càng nhiều. Hiện nay, ở nước ta, cứ trong 5 DN được thành lập thì có 1 DN được thành lập và có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Hà Nội. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI có chuyển biến tích cực, Hà Nội từ nhóm cuối đã góp mặt trong nhóm 13 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Chỉ số ứng dụng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ hỗ trợ DN... của Thủ đô cũng đứng đầu cả nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư được Hà Nội thực hiện bài bản. Lãnh đạo Hà Nội đã sát cánh cùng các nhà đầu tư giải quyết từng vụ việc cụ thể, đưa từng dự án vào sản xuất, kinh doanh. Các chương trình xúc tiến thương mại của thành phố với các địa phương trong cả nước được đánh giá cao.
 
Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, tiềm năng du lịch của Hà Nội rất lớn, do đó, Hà Nội nên tập trung vào tiềm năng phát triển du lịch, ẩm thực, đồng thời, liên kết với các tỉnh miền Bắc và các tỉnh trên toàn quốc. Cần có những cải thiện tích cực về chính sách cũng như cải thiện nguồn nhân lực để phù hợp với thị trường và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong phát triển kinh tế. Tận dụng mọi lợi thế để đưa Hà Nội trở thành khu vực đạt được nhiều đột phá trong phát triển kinh tế.

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t