Thảo luận các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông (14:27 16/04/2018)


HNP - Sáng 16/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về Logistics các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Về phía lãnh đạo TP Hà Nội tham dự hội nghị có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cùng lãnh đạo một số sở, ngành của TP.

Toàn cảnh hội nghị


Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI - Logistics Performance Index) năm 2016 của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của ngành logistics Việt Nam khoảng 14-16%, là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc trong thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao. Theo nghiên cứu của  WB, chi phí  logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Do vậy, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay và có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế.
 
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, sơ bộ năm 2016, tỷ lệ phần trăm khối lượng hàng hoá vận chuyển theo ngành vận tải như sau: Vận tải đường bộ có giá thành cao nhưng chiếm tới 77,2% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%; cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, đường hàng không chỉ chiếm 0,02%. Hiện nay, chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao, chưa phù hợp với thực tiễn do sự canh tranh không lành mạnh giao dịch chủ yếu qua trung gian, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải. Về thành phần cấu thành chi phí vận tải, theo số liệu từ doanh nghiệp vận tải thì trong chi phí vận tải đường bộ, xăng dầu chiếm khoảng 30 - 35%, phí cầu đường (BOT) bình quân chiếm khoảng 10-15%.
 
Trên hành lang Bắc Nam: Vận tải đường sắt, đường biển đều kém cạnh tranh so với vận tải đường bộ ở các đầu mối kết nối 2 đầu và cả ở các chặng ngắn hơn trên hành lang. Các ga bốc xếp hàng hoá ở hai đầu Hà Nội (Yên Viên, Giáp Bát) và TP Hồ Chí Minh (Sóng Thần) đều có diện tích kho bãi nhỏ, dịch vụ logistics chưa đáp ứng yêu cầu. Các ga trung gian hầu như chưa có ga nào có thể tiếp nhận và xử lý container. Việc kết nối dịch vụ của đường sắt cũng còn nhiều hạn chế. Vận tải biển cũng chỉ đảm nhận một phần khối lượng vận tải giữa miền Bắc và miền Nam, còn trên các chặng ngắn hơn do lượng hàng thấp, thời gian vận chuyển dài hơn nên khách hàng chủ yếu vẫn lựa chọn đường bộ.
 
Tại hội nghị, Bộ GTVT cũng đề xuất các giải pháp làm giảm chi phí Logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực giao thông vận tải như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ Logistics; Phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng Logistics; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải ; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh các đại biểu, các bộ, ngành đã tổ chức Hội nghị này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí vận tải, từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo ra tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Theo Thủ tướng, vấn đề Logistics đã được các bộ, ngành quan tâm nhưng chưa có giải pháp khiến chi phí vận tải vẫn còn cao trong khu vực. Do đó, Chính phủ đã mời các cơ quan, doanh nghiệp liên quan để bàn giải pháp.
 
Dẫn lời của Benjamin Franklin, chính trị gia, một trong những người lập quốc nổi tiếng nhất của Mỹ khi nói: "Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò to lớn của Logistics đối với nền kinh tế Việt Nam, là ngành kinh doanh hấp dẫn nhưng đang còn rất nhiều hạn chế. Thủ tướng cũng cho rằng, tất cả bộ, ngành, các địa phương phải nhận thức đầy đủ hơn và thực hiện tốt hơn, bởi đây là điểm nghẽn, giải quyết tốt sẽ tiết kiệm được chi phí, tăng giá thành sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có chi phí logistic, ảnh hưởng đến cạnh tranh của kinh tế đất nước. Cùng với nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế... thì việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistic phải được quan tâm đúng mức, thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể.
 
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đề xuất 4 giải pháp để giảm chi phí logictics cho doanh nghiệp:
 
Thứ nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính; thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%.
 
Thứ hai, Việt Nam cần đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng. Xây dựng công trình giao thông, kho  bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc.
 
Thứ ba, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp và hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
 
Thứ tư, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hải, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển. Điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển theo hướng tập trung phát triển lợi thế kinh tế vùng. Nâng cao chất lượng dịch vụ của đội tàu Việt Nam.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t