Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tổ chức, quản lý lễ hội (14:28 15/03/2018)


HNP - Công tác tổ chức, quản lý lễ hội là nhóm vấn đề thứ hai trong nội dung phiên giải trình được Thường trực HĐND TP tổ chức, sáng 15/3, cùng với nhóm vấn đề về thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động trả lời tại phần thảo luận


Mở đầu phần nêu vấn đề, đại biểu Hoàng Tú Anh đề nghị Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức làm rõ về việc tình trạng bày bán thịt thú rừng sống tràn lan tại khu vực chùa Hương, không đảm bảo mỹ quan và an toàn thực phẩm. Vậy công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm như thế nào? Giải pháp xử lý triệt để trong thời gian tới?

Đại biểu Hoàng Tú Anh đặt câu hỏi

Trả lời vấn đề nêu của đại biểu Hoàng Tú Anh, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết, từ đầu năm 2018 đến hết ngày 14/3/2018, Lễ hội Chùa Hương đón 791.850 lượt khách, tăng so với cùng kỳ năm 2017 là 55.400 lượt khách. Năm nay, hiện tượng bày bán thịt sống vẫn còn lác đác xuất hiện, huyện đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm túc, yêu cầu hơn 400 hộ kinh doanh tại khu vực phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, nếu vi phạm sẽ thu hồi giấy phép và đình chỉ kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn tại khu vực Chùa Hương.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt

Đại biểu Vũ Ngọc Anh đề nghị Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Tây Hồ cho biết: Hoạt động trông giữ phương tiện tại khu vực đình đền có nhiều vi phạm, vậy nguyên nhân tại sao, trách nhiệm của quận và biện pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?

Đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu câu hỏi

Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi kiểm tra thực tế, UBND quận đã yêu cầu các ngành chức năng lập biên bản vi phạm đối với bãi trông giữ xe không phép tại khu vực di tích, đặc biệt là Phủ Tây Hồ. Quận đã tăng cường nhiều lực lượng, nhưng với lượng du khách đi lễ quá lớn nên cũng chưa giải quyết hết.

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn

Còn theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong: Quận Đống Đa có 16 lễ hội, trong đó có một số lễ hội quy mô lớn, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, quận đã tập trung chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, xung quanh khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám có một điểm trông giữ xe tại vỉa hè phố Văn Miếu do UBND quận Đống Đa cấp phép. Để đảm bảo nhu cầu người dân đến tham quan dịp Tết, UBND TP cũng cho phép đỗ xe tại khu vực Vườn Giám (từ 24 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng Mậu Tuất). Trong quá trình thực hiện, các đơn vị này đã sử dụng quá diện tích được cấp phép, một số hộ dân tự phát trông giữ xe. Ngay sau khi phát hiện, UBND quận đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nên sau mùng 5 Tết không còn hiện tượng vi phạm trên địa bàn quận.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong

Đại biểu Hồ Vân Nga đề nghị Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, việc quản lý tiền công đức tại các cơ sở đình, chùa? Trách nhiệm của cơ quan quản lý, Sở đã triển khai việc quản lý như thế nào? Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Quang Thắng cho rằng, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, nhưng việc ăn mặc phản cảm khi đi lễ chùa của một bộ phận người dân vẫn còn, gây bức xúc trong dư luận. Vậy trách nhiệm của Sở Văn hóa và Thể thao trong công tác tuyên truyền như thế nào để khắc phục vấn đề này?

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho biết: Về vấn đề đặt hòm công đức, mỗi di tích được phép đặt từ 1-3 hòm công đức, tuy nhiên, một số di tích có số lượng nhiều hơn, do lượng khách đông, nhiều ban thờ nên đặt nhiều hòm công đức. Về việc sử dụng tiền công đức, đối với các di tích có Ban Quản lý thì ban chủ trì, có sự giám sát của nhân dân. Đối với các cơ sở tín ngưỡng có sư trụ trì thì do nhà chùa quản lý, thu chi có sự công khai và đồng thuận của nhân dân. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các nhà sư trụ trì thực hiện tốt việc quản lý tiền công đức, công khai minh bạch, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho xã phường trong việc quản lý.

Về việc trang phục lễ chùa còn phản cảm, theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, tại nhiều di tích đã bố trí trang phục cho người dân khi đi vào lễ chùa, tạo ấn tượng tốt cho người đi lễ. Đối với công tác tổ chức lễ hội, Sở tập trung vào việc tuyên truyền, có nhiều hình thức để vừa làm hài lòng du khách, vừa đảm bảo đúng tính chất của lễ hội.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà kết luận phiên thảo luận

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà ghi nhận sự nỗ lực và đạt kết quả cao của UBND TP trong việc triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử cũng như công tác quản lý lễ hội trên địa bàn TP, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế và tại phiên giải trình, đại diện các cấp, các ngành đã đưa ra những giải pháp khắc phục ngay. Theo Phó Chủ tịch Phùng Thị Hồng Hà, Thường trực HĐND TP sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu HĐND TP để gửi cho UBND TP tiếp tục có báo cáo giải trình gửi đến đại biểu HĐND TP. Đồng thời, Thường trực HĐND TP sẽ có kết luận cụ thể bằng văn bản cho từng nhóm vấn đề để UBND TP cùng các cơ quan, địa phương trên cơ sở đó quan tâm xem xét và giải quyết thực hiện theo quy định.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t