Chú trọng phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (14:56 14/03/2018)


HNP - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), hoạt động văn học nghệ thuật của Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực cả về nội dung và hình thức.

Trong thời gian qua, thành phố đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở: Hệ thống Cung văn hóa, Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa từ Thành phố đến cơ sở, của các ngành, đoàn thể Thành phố hoạt động khá tốt, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo cán bộ, nhân dân Thủ đô. Từ hiệu quả hoạt động của hệ thống Nhà văn hóa các cấp, các quận, huyện, thị xã chú trọng đầu tư xây dựng phát triển Nhà văn hóa phường, xã, thị trấn tại khu vực nội thị; Nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa thôn (làng) tại khu vực nông thôn. Hướng đi này đã phát huy tối ưu công năng của hệ thống Nhà văn hóa trong việc đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của các tầng lóp nhân dân góp phần tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển đời sống văn hóa cơ sở.

Song song với đó, Thành phố cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo quy hoạch chung đang thực hiện, các Nhà hát nghệ thuật hiện nay đều có rạp để luyện tập và biểu diễn phù hợp với đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đều được đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng đảm bảo phục vụ đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Một số công trình văn hóa, nghệ thuật được hoàn thành như: Bảo tàng Hà Nội, Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam, Rạp Kim Đồng, Thư viện Hà Nội, Tượng đài Thánh Gióng, Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn, Tượng đài Hoà Bình, Con đường Gốm Sứ…

Đáng chú ý, Thủ đô Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước tiến hành tổng kiêm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tổng số di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội đã kiểm kê tính đến năm 2017 là 1.793 di sản và được cập nhật vào phần mềm hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh 03 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 01 di sản đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp; 16 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hà Nội cũng đang từng bước triển khai thực hiện các chương trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đang có nguy cơ mai một như: Hát trống quân, Hát Dô, Hát Chèo Tàu, Hát và múa Ải lao...

Cùng với đó, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp triển khai dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn sân khấu đặc sắc mang đậm chất văn hóa Thăng Long - Hà Nội: Dự án Bảo tồn nghệ thuật Chèo truyền thống (Nhà hát Chèo Hà Nội); Dự án “Sân khấu học đường” phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để truyền dạy nghệ thuật Chèo truyền thống cho học sinh phổ thông. Sưu tầm, dàn dựng các tích trò rối dân gian (Nhà hát Múa rối Thăng Long). Một số vở diễn và chương trình tiêu biểu như: “Ngọc Hân công chúa”, “Oan khuất một thời”, “Lý Công Uẩn dời đô”, “Quan thanh tra”, “Cao Bá Quát”, “Vương nữ Mê Linh”, “Cánh chim trắng trong đêm” (Nhà hát Chèo), “Tình sử ngàn năm”, “Những mặt người thấp thoáng”, “ Điệp khúc vi rút”, “Những người con Hà Nội”, Điện thoại di động”, “Cát bụi” (Nhà hát Kịch), “Kẻ sĩ Thăng Long”, “Mong gió đừng đổi chiều”, “Đường đua trong bóng tối”, “Yêu là thoát tội”, “Dâu bể một kiếp tằm” (Nhà hát Cải lương),“Chim công”, “Rấn cổ Loa thành”, “Huyền thoại tiên rồng”, “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”, “Bay lên từ mặt nước” (Nhà hát Múa Rối Thăng Long), “Cánh đào báo tiệp”, “Luân hồi”, “Ký ức sông Hồng”, “Hành trình thời gian”, “Ký ức Hà Nội xưa”… (Nhà hát Ca múa Nhạc Thăng Long); “Hồn sen”, “Mạch sống”, “Phiên chợ vùng cao” (Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội)...

Thông qua các hoạt động giao lưu, đối ngoại về văn hóa, chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật truyền thống, chúng ta đã giới thiệu, quảng bá một cách rộng rãi về các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, về vùng đất văn hóa và con người Thủ đô Thăng Long - Hà Nội đến với nhiều nước trên thế giới. Qua đó được bạn bè quốc tế hào hứng đón nhận, góp phần quan trọng và làm tăng sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế khi đến với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về mục đích, nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới” đối với các địa phương, các đoàn thể để tạo sự đồng bộ trong công tác tổ chức triển khai, thực hiện. Tăng cường hơn nữa công tác giao lưu, trao đổi văn hoá để đưa các tác giả, tác phẩm có chất lượng cao của thế giới đến Hà Nội, từng bước nâng cao hơn nữa thị hiếu, thẩm mỹ của công chúng thông qua các chương trình trao đổi văn hoá nghệ thuật như “những ngày văn hoá”, “tuần lễ văn hoá” tại Hà Nội...

Tăng cường công tác xã hội hoá trong đào tạo như khuyến khích các tố chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật dưới các hình thức như mở trung tâm đào tạo, mở các trường, đầu tư xây dựng và thiết bị kỹ thuật cho các trung tâm, các xưởng, các nhà hát thực nghiệm, các trại sáng tác, tổ chức các khoá đào tạo chất lượng cao các ngành chuyên môn; tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên đi học trong nước và nước ngoài; thực hiện mô hình du học tại chỗ cho học sinh, sinh viên theo học các ngành của văn hoá nghệ thuật.

Ngoài ra, thông qua các trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng Việt kiều, tổ chức các chương trình, kế hoạch hợp tác nhằm giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật, các chương trình nghệ thuật và các văn nghệ sĩ của Thủ đô ra quốc tế và đưa các chương trình văn hóa nghệ thuật, các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của thế giới về giới thiệu tại Việt Nam…


Huy Hoàng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t