Nâng cao năng lực cán bộ trong công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả (21:12 29/01/2018)


HNP - Ngày 29/1, BCĐ phòng chống tội phạm 138 Chính phủ và BCĐ Quốc gia về chống buôn lậu, hang giả và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị


Năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với năm 2016), thu nộp ngân sách Nhà nước 23.101 tỷ 638 triệu đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ 2016), khởi tố 1.637 vụ án (tăng 4,87% so với cùng kỳ) và khởi tố 2.118 đối tượng vi phạm (tăng 13,69% so với cùng kỳ).
 
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra chủ yếu tại khu vực biên giới ở các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Vào thời điểm các tháng cuối năm, áp lực hàng hóa gia tăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại bùng phát trở lại. Tại địa bàn Lạng Sơn, tại nhiều thời điểm, các đối tượng ngang nhiên mang vác hàng, vận chuyển hàng lậu qua đường mòn biên giới, khi bị phát hiện thì liều lĩnh chống trả lực lượng chức năng, tập hợp nhiều người để cướp lại hàng và gây mất an ninh trật tự.
 
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng BCĐ 389 thành phố Lê Hồng Sơn cho biết: các đối tượng lậu buôn thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, với sự tham gia của các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) nên việc xác minh lý lịch đối tượng để xác lập chuyên án đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng lại thường hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, trong khi việc phân quản lý địa bàn, sự phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng trên tuyến còn hạn chế dẫn đến có trường hợp bị lộ thông tin, các đối tượng bỏ trốn, thay đổi lộ trình ảnh hưởng đến công tác khám phá, bắt giữ...
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp nhiều khó khăn do một số văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ điều tra và xử lý. Cụ thể, đối với các hành vi buôn lậu, Điều 153 Bộ Luật hình sự quy định: Tội buôn lậu có hành vi “buôn bán trái phép qua biên giới” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, trong thực tế việc chứng minh hành vi buôn bán trái phép qua biên giới là rất khó nên phần lớn các vụ buôn lậu lớn không khởi tố, truy tố được các đối tượng phạm tội mà chỉ dừng ở mức xử lý hành chính. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện không xem xét xử lý hình sự hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất, gây khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng…
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn báo cáo tại Hội nghị
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu một số tồn tại, việc triển khai các nghị quyết của một số cơ quan, địa phương còn mang tính hình thức, bị động, chưa sát với thực tiễn, xảy ra các điểm nóng, chưa phối hợp cung cấp thông tin, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức còn hạn chế, tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là đánh bạc qua internet với quy mô lớn, xuyên quốc gia, khiến số lượng ngoại tệ chảy ra nước ngoài rất lớn. Tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu… diễn ra phức tạp, hoạt động ngang nhiên, lộng hành gây bức xúc dư luận. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra trên diện rộng, thủ đoạn tinh vi, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt có nhiều mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân; nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng như sang chiết gas trái phép, buôn bán tân dược giả…
 
Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức quán triệt những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; có giải pháp cụ thể huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc gắn sức mạnh toàn dân phát động phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, lồng ghép chương trình khởi nghiệp, có chính sách đối với doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh sản xuất nhằm nâng cao đời sống của nhân dân tại các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. 
 
Phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan bảo đảm các văn bản, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục các sơ hở trong các văn bản pháp luật về đấu tranh chống tội phạm, buôn lậu… Tổ chức nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực và trong nước không để bị động, xử lý kịp thời các vi phạm, trước mắt tiếp tục tập trung mọi nỗ lực đấu tranh chống các loại tội phạm, buôn lậu, bảo đảm an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho nhân dân.
 
Các cấp, các ngành cần nâng cao hiệu quả phòng chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm nguy hiểm, có yếu tố nước ngoài, ma túy, buôn bán người, tham nhũng… có biện pháp đấu tranh tội phạm trốn ra nước ngoài. Tăng cường phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, viện kiểm soát, tòa án bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không xử oan người vô tội.
 
Các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các địa phương tổ chức các lực lượng chuyên trách chống tội phạm, chống buôn lậu, hàng giả, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành, địa phương, người đứng đầu cơ quan, địa phương trong việc đấu tranh chống tội phạm, chống buôn lậu, hàng giả; coi công tác cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề, nâng cao năng lực ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ có kỷ cương, liêm chính, công minh, tuân thủ pháp luật.

Quang Phú


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t