Báo chí Thủ đô: Nhạy bén, phản ánh kịp thời các vấn đề nhân dân quan tâm (20:14 15/02/2018)


HNP - Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 15/11/1997, của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về “Nâng cao chất lượng, tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác báo chí - xuất bản Hà Nội”, hoạt động báo chí - xuất bản của Thành phố đã có những bước phát triển mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung và những thành tựu trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm Hội Báo Xuân 2018


Trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, báo chí là lĩnh vực công tác tư tưởng đặc biệt quan trọng, có tác động trực tiếp, sâu sắc đến đời sống xã hội. Do vậy, phát triển sự nghiệp báo chí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thành ủy, UBND Thành phố thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, việc Thành ủy ban hành Chỉ thị số 25 là dấu mốc có ý nghĩa quan trọng đối với công tác này.
 
Cùng với Chỉ thi số 25, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, trực tiếp của Thành ủy, UBND Thành phố trong lĩnh vực báo chí - xuất bản tiếp tục được thể hiện, cụ thể hóa qua việc ban hành nhiều văn bản quan trọng khác. Trong đó, đáng chú ý, ngày 19/5/2000, Thành ủy tiếp tục ban hành Thông báo số 167-TB/TU về Kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy về "nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo chí Hà Nội vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô"; tiếp đó ngày 18/10/2002 là Thông báo số 168-TB/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về "một số vấn đề kiện toàn, củng cố mạng lưới và đội ngũ cán bộ, phóng viên các báo, đài Hà Nội".
 
Đặc biệt, trong Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 24/10/2007, nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa X), Thành ủy đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính chỉ đạo toàn diện hệ thống báo chí Hà Nội, trong đó, nhấn mạnh “Báo chí Thủ đô phải bám sát tôn chỉ, mục đích, thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo trong tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Thủ đô. Báo chí phải nhạy bén phát hiện, tuyên truyền, nhân điển hình các nhân tố mới, định hướng dư luận nhân dân, cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong tư tưởng, hành động của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; kịp thời phản bác những quan điểm sai trái, phản động, chủ động chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch”...
 
Với sự chỉ đạo sát sao, toàn diện, trong 20 năm qua, báo chí Thủ đô đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có 8 cơ quan báo in với 8 ấn phẩm chính và Đài PT-TH Hà Nội vào năm 1997 thì đến nay, hệ thống báo chí Hà Nội gồm có 22 cơ quan, trong đó, có 13 báo in, 8 tạp chí và Đài PT-TH Hà Nội, với 21 ấn phẩm chính, 11 ấn phẩm phụ, 7 cơ quan đã xuất bản báo điện tử. Tổng số lao động tại các cơ quan báo chí Hà Nội là 1.507 người, trong đó có 11/22 cơ quan báo chí được giao chỉ tiêu biên chế với tổng số 768 viên chức...
 
Hòa chung với sự phát triển của khoa học công nghệ, cùng với xu hướng của báo chí hiện đại, các báo điện tử và trang thông tin điện tử tổng hợp của báo chí Hà Nội trong giai đoạn vừa qua đã tận dụng tốt lợi thế của mình, từ chỗ chỉ là ấn phẩm phụ của các cơ quan báo đã dần vươn lên trở thành một ấn phẩm chính, có số lượng bạn đọc ngày càng tăng, thông tin đến đông đảo bạn đọc, đa dạng về nội dung thông tin, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân và góp phần rất lớn vào việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như phản bác, đấu tranh lại những thông tin xuyên tạc, sai sự thật của các thế lực thù địch trên môi trường mạng Internet.
 
Có thể khẳng định, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 25, báo chí Thủ đô đã hoạt động đảm bảo tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật; thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Thông tin trên báo chí ngày càng đa dạng, phong phú, nhiều chiều; hình thức có nhiều tiến bộ; thời lượng phát thanh và truyền hình tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, đóng góp tích cực vào thành tựu xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của các cơ quan báo chí Thủ đô còn có hạn chế về chất lượng nội dung, chưa có những đột phá mạnh mẽ để khẳng định bản sắc của báo chí Thủ đô. Việc tuyên truyền, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, chống luận điệu, quan điểm sai trái còn chưa nhiều, chưa đủ mạnh. Nội dung thông tin trên một số ấn phẩm phụ vẫn còn hiện tượng chưa bám sát tôn chỉ, mục đích...
 
Trên cơ sở đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Thành ủy Hà Nội đã đề ra phương hướng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác báo chí - xuất bản trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu báo chí Thủ đô phải tiêu biểu, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân và đi đầu về tính tư tưởng, tính khoa học, tính chân thật, tính chiến đấu và tính đa dạng; thường xuyên bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, trọng tâm công tác trong mỗi thời kỳ để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Thành phố, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân.
 
Báo chí Thủ đô cũng phải phát huy hơn nữa vai trò trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nhạy bén, chủ động nắm bắt, phản ánh kịp thời các thông tin mới, các vấn đề thời sự mà nhân dân quan tâm. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới phương pháp làm báo, trau dồi nâng cao nghiệp vụ, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thành uỷ Hà Nội, tăng cường bám sát nhiệm vụ của Thành phố... để nâng cao toàn diện chất lượng các cơ quan báo in, báo điện tử, phát thanh - truyền hình.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 25 của Thành ủy mới đây, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo Thành ủy khẩn trương nghiên cứu và đề xuất việc cập nhật, bổ sung hoặc ban hành Chỉ thị mới của Thành ủy về công tác báo chí - xuất bản để tăng cường chỉ đạo trên lĩnh vực này, gắn với triển khai thực hiện Luật Báo chí, các chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Trung ương và Thành phố về lĩnh vực báo chí - xuất bản.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t