Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới (21:49 05/01/2018)


HNP - Chiều 5/1, Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" của Thành ủy Hà Nội tổ chức giao ban quý IV-2017, bàn nhiệm vụ, giải pháp năm 2018. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng BCĐ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị


Báo cáo về việc thực hiện Chương trình 02, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, tổng giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2017 ước đạt 35.133 tỷ đồng tăng 2,33% so với năm 2016 và ước đạt 43.110 tỷ đồng. Về cơ cấu giá trị sản xuất: trồng trọt, lâm nghiệp 44,40%; chăn nuôi, thủy sản 52,56%; dịch vụ 3,04%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn thành phố đến nay đạt 25%, trong đó, lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thủy sản 13%.

Về xây dựng huyện NTM, năm 2017, thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến nay, Thành phố đã có 04 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức, tăng 02 huyện so với năm 2016. Về số xã đạt chuẩn về xây dựng xã NTM, tính đến hết năm 2016, Hà Nội có 255/386 xã (chiếm 66,06%) được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Đến nay, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định Thành phố đã tiến hành thẩm định 45 xã/14 huyện, thị xã trong đó có 39 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017.


Nhìn chung, trong năm 2017 các huyện, thị xã và các xã tiếp tục tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đường làng, ngõ xóm, hệ thống thoát nước được kiên cố cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương cấp 3 đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cấp và xây mới các trường học đảm bảo nhu cầu giảng dạy và học tập tại địa phương; xây mới và sửa chữa, mua sắm các thiết bị cho các nhà văn hóa thôn đảm bảo sinh hoạt cộng đồng; cải tạo, nâng cấp, xây mới các trạm y tế đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân,...

Đến hết năm 2017, các huyện, thị xã đã có 181/475 trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 38%). Có 307/467 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 66%). Có 245/425 trường THCS đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 58%). Có 39/74 trường THPT đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 40%). Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Trong đó, một số địa phương có thu nhập cao như: Thạch Thất 52 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người năm, Hoài Đức 42,5 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 41,2 triệu đồng/người/năm,... đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sỹ công tác tại trạm.

Sau khi nghe một số kiến nghị của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, trong năm qua, ngành nông nghiệp và PTNT của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, nông nghiệp tăng trưởng ổn định, công tác xây dựng NTM đạt được nhiều thành tích... có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực từ phía các sở, ban ngành các quận huyện của thành phố, đặc biệt nhiều tổ chức hội, đoàn thể cũng có những đóng góp cụ thể cho xây dựng NTM.

                              

Đồng chí Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh: trong năm 2017 mặc dù có nhiều thiên tai xảy ra, như nắng nóng kéo dài dẫn đến cháy rừng hay lũ lụt, tuy nhiên với chỉ đạo khắc phục các sự cố thiên tai một cách kịp thời, ngành nông nghiệp đã dần đi vào ổn định và tăng trưởng. Thu nhập của người dân tăng nhanh, đời sống được cải thiện. Theo lãnh đạo UBND thành phố, trong thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng CNC trong nông nghiệp và đã có hơn 100 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Bước sang năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị các huyện, thị xã cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng xây dựng các vùng nông sản hàng hóa. Trong phát triển nông nghiệp chú trọng cây trồng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch. Tập trung quản lý tốt công tác tu bổ đê điều, hệ thống thủy lợi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng chí cho rằng đối với những kiến nghị của các huyện như: về hỗ trợ nguồn vốn cho những xã đạt chuẩn; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; vấn đề xây dựng nhà máy giết mổ gia súc gia cầm; xử lý nước thải gây ô nhiễm; đưa các xã có an ninh trật tự ổn định ra khỏi xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự... sẽ được thành phố tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết sớm.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã nêu các nội dung đã đạt được trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. Để thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các đơn vị cần tích cực công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường triển khai công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm một cách bền vững cho lao động nông thôn. Cụ thể, thành phố sẽ có những buổi giao ban chuyên đề để bàn giải pháp thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: trong việc thực hiện 19 tiêu chí có những tiêu chí cần nhiều nguồn lực để thực hiện, tuy nhiên, có những tiêu chí không phải sử dụng nguồn kinh phí lớn. Những tiêu chí này các đơn vị không được lơ là mà phải cương quyết thực hiện sớm và đúng theo quy định. "Như tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị các đơn vị cần kiện toàn bộ máy, gắn việc quản lý cán bộ với triển khai tốt Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng... lấy công tác cán bộ là nền tảng quan trọng trong xây dựng NTM".

Sau khi đánh giá việc thực hiện một số tiêu chí ở các huyện, Phó Bí thư thường trực Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng ở những xã đã đạt 19/19 tiêu chí cần tích cực kiểm tra đôn đốc, nâng cao chất lượng các tiêu chí, duy trì một cách bền vững những tiêu chí đã đạt được. Đối với những xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM cần tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ cả về vấn đề phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, từ đó, nâng cao đời sống người dân một cách toàn diện. Nhân dịp này, Phó Bí thư thường trực Thành ủy cũng mong muốn các tổ chức hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ngân hàng chính sách, đặc biệt, là các quận nội thành cần tiếp tục đồng hành cùng với các huyện tham gia xây dựng NTM. Các đơn vị này cần có kế hoạch hỗ trợ các huyện cụ thể hơn bằng những việc làm thiết thực.


Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t