Thiếu tướng Vũ Anh Thố - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân:


“Thắng lợi của nền tảng văn hóa quân sự Việt Nam” (09:00 12/12/2017)


HNP - Nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972  - 12/2017), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Vũ Anh Thố - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), một trong những chứng nhân lịch sử từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Thiếu tướng Vũ Anh Thố - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trả lời phỏng vấn


- Thưa Thiếu tướng, 45 năm trôi qua kể từ sự kiện lịch sử 12 ngày đêm cuối năm 1972 mà ta vẫn gọi là trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đó, nếu để kể lại, hình dung lại một sĩ quan phòng không Vũ Anh Thố ở thời điểm đó, ông sẽ nói với bạn đọc điều gì?
 
- Lúc đó tôi là Trung úy, Tiểu đoàn phó Quân sự của Tiểu đoàn tên lửa 172, Trung đoàn 277 trực thuộc Quân chủng PK-KQ. Chúng tôi vừa được đi huấn luyện 6 tháng ở Liên Xô về loại tên lửa Pê-trô-ra hiện đại thời bấy giờ, tầm bắn xa nhất trên 25km, tiêu diệt được tất cả các loại máy bay của đế quốc Mỹ kể cả máy bay B-52. Nếu tính hiệu suất chiến đấu thì Pê-trô-ra cao hơn loại tên lửa SAM-2 rất nhiều, dù SAM-2 đã được chúng ta nghiên cứu, cải tiến để nâng hiệu suất chiến đấu. Đơn vị về nước đóng quân tại Sóc Sơn (Hà Nội) - một trong những địa bàn được coi như “túi bom” của máy bay Mỹ. Chúng tôi vừa huấn luyện trên khí tài mới vừa bảo toàn lực lượng để khi có đạn về thì bước vào chiến đấu được ngay. Đạn tên lửa loại này vẫn đang trên đường vận chuyển về nước, nên chúng tôi không được tham gia chiến đấu với lũ “pháo đài bay” của giặc Mỹ. Hằng ngày, vừa huấn luyện, vừa chờ đạn đến, được thông báo về tội ác của lũ “giặc trời” và những chiến công bắn rơi B-52 của đồng đội ở cả hai lực lượng Phòng không và Không quân, chúng tôi vừa căm phẫn quân cướp nước, vừa vui mừng trước những chiến công liên tiếp của quân ta, vừa tiếc rằng, giá như có đạn tên lửa Pê-trô-ra về kịp thì chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa số “giặc trời”, nhất là “pháo đài bay” B-52 phải đền tội, chứ không chỉ là 34 chiếc như chúng ta đã biết. 
 
- Bằng “đòn chiến lược” về quân sự là huy động tối đa lực lượng “pháo đài bay”, đế quốc Mỹ muốn “nghiền nát” Hà Nội, biến Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá”, vậy mà ta đã chiến thắng vang dội, như có phép màu. Thưa Thiếu tướng, nhận định này nói lên điều gì?
 
- Nếu chỉ nhìn vào một phía là sức mạnh về vũ khí trang bị thì rõ ràng cán cân lực lượng quá chênh lệch và chắc chắn một điều là với số lượng máy bay, bom đạn khổng lồ như thế, điều mà đế quốc Mỹ huênh hoang đưa Hà Nội trở về “thời kỳ đồ đá” là hoàn toàn có cơ sở. Song thế hệ chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ PK-KQ với tư cách là “người trong cuộc” thì ngay từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX đã ở tư thế chủ động, tức là được trang bị rất kỹ về mọi mặt để sẵn sàng đánh B-52, kể cả là về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, và nhất là về tư tưởng. Vì vậy, chúng tôi bước vào cuộc chiến đấu không cân sức đó với một tâm thế tự tin và quyết thắng cao độ. Nói cách khác, chúng ta đã sẵn sàng chờ đón “đòn chiến lược” của không lực Hoa Kỳ trong tư thế của người chủ động chứ không hề bị động. 
 
Chúng ta cũng đã biết, ngày 19/7/1965, đến thăm bộ đội PK-KQ, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn, cũng là lời tiên liệu thiên tài của Người: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” . Rồi ngày 29/12/1967, Bác lại tiên liệu: “Mỹ sẽ thua nhưng nó chỉ thua ngay trên bầu trời Hà Nội” . Lĩnh hội và thấm nhuần những lời căn dặn của Người, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức việc nghiên cứu cách đánh B-52, nghiên cứu cải tiến tên lửa từ rất nhiều năm trước đó chứ không hề có phép màu nào, sự tác động siêu tự nhiên nào. Có chăng, chúng ta đã làm cho thế giới bất ngờ bởi chiến thắng lịch sử này tưởng như trái với quy luật “mạnh được yếu thua” bởi vì họ đánh giá mạnh với yếu một cách phiến diện là khối lượng vũ khí mà thôi.
 
- Còn có nhiều nhận định rằng, ta chiến thắng bằng sức mạnh văn hóa, theo ông thì sức mạnh đó thể hiện như thế nào?
 
- Nói ta chiến thắng giặc bằng sức mạnh văn hóa là rất đúng, vì văn hóa có nghĩa rất rộng, bao trùm. Nhưng có thể nói sức mạnh văn hóa ở đây chính là từ tính chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa, tính chất phòng vệ chính đáng khi kẻ thù xâm lược thì buộc toàn dân tộc ta phải chiến đấu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Và nhân tố quyết định, đó là ta có Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường chỉ lối, đã đề ra đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam khiến cho sức mạnh tổng hợp (có thể gọi là sức mạnh văn hóa chăng!) ấy được nhân lên gấp bội phần. Ta đánh giặc bằng tất cả con người và mọi thứ sẵn có trên đất quê hương và có trong tay. Nhớ lại thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, chúng ta lại càng thấy rõ nghệ thuật quân sự độc đáo thể hiện trong việc huy động tối đa nguồn hỏa lực tạo nên lưới lửa phòng không đủ sức mạnh khiến cho đế quốc Mỹ phải kinh hồn bạt vía, chúng không phát huy được sức mạnh của vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại. Từ cô dân quân Quang Lang nơi Xứ Lạng, hay ông cụ già Xứ Thanh đều có thể dùng khẩu súng bộ binh mà bắn hạ máy bay địch. Hay như câu chuyện chúng ta sử dụng tên lửa của Liên Xô viện trợ bằng trí tuệ và cách đánh của con người Việt Nam; bởi vì chúng ta nhìn thấy và tìm được kẻ thù trong các loại nhiễu như Anh hùng Vũ Ngọc Diệu. Chúng ta gạt được (chống) được Srai của địch để tiêu diệt chúng và bảo vệ mình như Anh hùng Nguyễn Lành. Chúng ta sử dụng chiến thuật cơ động, phục kích, đón lõng, đánh vỗ mặt, đánh thọc sườn… kẻ thù. Chúng ta quyết chọn chính xác mục tiêu chính là B-52 mà đánh. Có trận, như kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 hồi 5 giờ 9 phút và 5 giờ 19 phút ngày 21/12/1972, kíp chiến đấu do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt chỉ huy, Nguyễn Đình Kiên làm sĩ quan điều khiển đánh hai trận - mỗi trận một tên lửa diệt một B-52 có chiếc rơi tại chỗ ở núi Đôi, Sóc Sơn, Hà Nội. Một kỳ tích mà ít ai ngờ tới, chính các chuyên gia cũng phải bất ngờ và thán phục.
 
Sau này, khi làm Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ phụ trách Phòng không lục quân, tôi đã được giao chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Đánh máy bay bay thấp bằng súng pháo phòng không”, tôi tìm thấy những trận đánh đặc biệt một người một súng trường chỉ bắn 3 viên đạn tiêu diệt 1 máy bay khu trục của thực dân Pháp chiều ngày 6/5/1954, đó là ông Vũ Tuyền, người làng Thận Tu Trại, xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - chiếc máy bay này cắm đầu xuống đất Thường Tín. Và những trận đánh của dân quân Yên Châu, Sơn La do cô Quàng Thị Ế chỉ huy bắn rơi F-105, việc ấy giống như trung đội dân quân của Nguyễn Thị Vát ở Hải Phòng bắn rơi  F-111 trên cửa sông Văn Úc… Chính từ những kinh nghiệm và bài học đánh địch trên không như thế, cho nên, có thể nói rằng, nói đến sức mạnh văn hóa của ta không chung chung chút nào, mà nó rất cụ thể, ở chiều cạnh nào chúng ta cũng có thể lấy ví dụ ra mà chứng minh được.
 
- Thưa Thiếu tướng, có khi nào ông gặp lại những đối tượng tác chiến mà mình đã từng đối mặt chưa, và câu chuyện đó ra sao?
 
- Ngày 19/5/1967, đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 91 (tôi là sĩ quan điều khiển tên lửa) đã bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ, ở Nông trường Cao Phong (Hòa Bình). Vậy mà sau này, dù tôi cũng vinh dự được tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm Bộ Tư lệnh Quân chủng nhưng tôi chưa hề gặp lại một cựu chiến binh Mỹ, nhất là người của lực lượng không quân đã từng đưa máy bay đánh phá ở Việt Nam. Duy chỉ có lần cách đây gần chục năm (2009), tôi đã gặp, cùng ăn chay với một cựu chiến binh Mỹ ở chùa Ngũ Xã và đã trò chuyện với ông ta. Đây là một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và nay có điều kiện quay trở lại để giúp đỡ các nạn nhân của chất độc da cam mà đế quốc Mỹ từng rải xuống nhiều cánh rừng miền Nam ta, mong muốn góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, cũng là để sám hối với những gì mà họ đã gây ra. Qua trò chuyện, tôi thấy có thiện cảm với ông ta, một người đã biết vượt lên mặc cảm tội lỗi để làm việc thiện cho cộng đồng…
 
Chiến tranh đã lùi xa, chúng ta đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và thiết lập quan hệ ngoại giao từ cách đây cũng đã hơn hai mươi năm (1995). Lịch sử cuộc chiến tranh không cho phép chúng ta được lãng quên, nhưng chúng ta cũng không thể cứ mãi giữ hận thù mà khép cửa. Ta vừa tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC mà thêm một vị Tổng thống Hoa Kỳ đến với ta, được chúng ta đón tiếp trọng thị, thân tình. Đấy cũng chính là biểu thị của văn hóa, thứ văn hóa cao thượng, nhân văn, vị tha đó đã và sẽ cho ta sức mạnh trong thời kỳ mới. Tôi tin như vậy.
 
- Thiếu tướng chắc vẫn thường xuyên theo dõi bước đường xây dựng, trưởng thành của quân đội nói chung, của Quân chủng PK-KQ nói riêng trong thời bình, ông có thể chia sẻ điều gì với lớp cán bộ, chiến sĩ thế hệ hôm nay?
 
- Đúng vậy. Nghỉ hưu đã tròn chục năm nay, tôi vẫn thường xuyên dõi theo bước đường xây dựng, trưởng thành của quân đội và quân chủng, nơi mà tôi đã dành trọn cả đời quân ngũ gắn bó. Tôi rất vui và đồng quan điểm của Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng về chủ trương xây dựng Quân chủng PK-KQ là một trong số những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn tới nắm bắt tri thức khoa học nghệ thuật quân sự trong tác chiến hiện đại, nhưng cũng vừa là thách thức khi kẻ thù dùng chiến tranh công nghệ cao và chiến tranh không còn lệ thuộc nhiều vào không gian, địa hình như thời chúng tôi chiến đấu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn mong muốn thế hệ hôm nay cần phải hiểu rõ, hiểu sâu về truyền thống, bài học kinh nghiệm, nhất là từ Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mà hôm nay chúng ta đang bàn đến, để trang bị cho mình niềm tin vào sức mạnh mà như ta vừa nói là sức mạnh văn hóa đã biến cái điều tưởng như không thể thành có thể. Hiện nay, Bộ đội PK-KQ ta dù đã được trang bị thêm nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại, nhưng so với thế giới thì chúng ta còn ở mức khiêm tốn. Cho nên, nếu chúng ta không giáo dục tốt, thì rất dễ xảy ra tâm lý bi quan hoặc chủ quan và cũng có thể huấn luyện tốt nhưng ý chí và niềm tin vào sức mạnh chiến đấu giảm sút. Tôi lấy ví dụ, có chiến sĩ đơn vị 12ly 7 khi huấn luyện bắt mục tiêu trên không thì buột ra câu rằng: “Thời này mà vẫn còn dùng đến cái loại cổ lỗ sĩ này ư”. Ta không trách được cậu chiến sĩ này, mà chính cán bộ phải giáo dục làm sao để chiến sĩ có niềm tin vào vũ khí, trang bị, mà lịch sử đã chứng minh chỉ khi chúng ta phát huy tối đa vũ khí trang bị phương tiện trong tay và ý chí quyết tâm cao nhất, tức là nhân tố con người, mới tạo nên được sức mạnh tổng hợp đủ để chiến thắng mọi kẻ thù trong mọi tình huống. 
 
- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng đã dành thời gian trao đổi với chúng tôi!

Nguyễn Hoàng Sáu - Phương Anh (thực hiện)


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t