45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không:


Bài 5: Bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không (10:41 13/12/2017)


HNP - Điều gì đã làm nên chiến thắng lẫy lừng trước một cuộc tập kích đường không mà địch sử dụng lực lượng đồ sộ, áp đảo với những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất? - Đó chính là bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Bộ đội tên lửa là lực lượng nòng cốt trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972


Theo Trung tướng Trần Hanh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” nói riêng là thực tiễn sinh động thể hiện tư duy khả năng nhận định, đánh giá tình hình của Đảng và Bác Hồ. Bởi ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ; đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả “tinh thần và lực lượng”.
 
Điều quan trọng nhất để giành thắng lợi mặt trận trên không trước kẻ địch có tiềm lực lớn, vũ khí trang bị hiện đại, thì yếu tố đầu tiên để giành thắng lợi là phải có ý chí dám đánh, quyết đánh, quyết thắng. Trong cuộc chiến 12 ngày đêm, chúng ta đã làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng ý chí dám đánh, quyết đánh và quyết thắng đến cán bộ, chiến sỹ toàn quân, Trung tướng Trần Hanh nhấn mạnh.
 
Trung tướng Trần Hanh
 
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, đến cuối năm 1972, sau nhiều năm trực tiếp chiến đấu, nghiên cứu cách đánh B-52, bộ đội tên lửa của ta đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc, như: Quy luật hoạt động, cách đánh phá, đội hình bay, đường bay, chọn điểm kiểm tra trước khi cắt bom của B-52; máy bay chiến thuật hộ tống trước, trong, sau hoạt động của B-52,... quan trọng hơn bước đầu ta đã phân biệt được đâu là nhiễu của B-52, đâu là nhiễu của các loại F; nhiễu trong đội hình, nhiễu ngoài đội hình. Từ đây, ta có phương án sử dụng lực lượng, bố trí đội hình, cách đánh phù hợp hiệu quả của Bộ đội Tên lửa phòng không bảo vệ yếu địa, các mục tiêu trọng điểm.
 
Đến cuối năm 1972, do lực lượng tên lửa phòng không phải phân tán làm nhiều nhiệm vụ bảo vệ quân binh chủng hợp thành, bảo vệ tuyến giao thông vận tải, kho chiến lược, bảo vệ yếu địa nên lực lượng phải phân tán, dàn mỏng ra. Thời điểm này, bảo vệ Hà Nội chỉ còn 2 trung đoàn tên lửa phòng không đủ (e257, e261) và 1 trung đoàn mới triển khai chiến đấu được hai tiểu đoàn (d86 và d88/e274). Đây là thời điểm lực lượng tên lửa bảo vệ Hà Nội ít nhất. Nhưng Bộ đội Tên lửa được sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của trên Quân chủng và Sư đoàn phòng không 361 (Phòng không Hà Nội) nên việc bố trí đội hình chiến đấu tập trung trên các hướng chủ yếu, đường bay chủ yếu của địch vào đánh Hà Nội, nhiều trận địa quyết chốt giữ để chiến đấu trong suốt 12 ngày đêm (trận địa Chèm, Đại Đồng, Phú Thụy, Tam Sơn…). Cả chiến dịch, Bộ đội Tên lửa phòng không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắn rơi 29 máy bay B-52, riêng Bộ đội Tên lửa Hà Nội bắn rơi 25 chiếc có 16 chiếc rơi tại chỗ.
 
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt
 
Còn theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cái khó cho ta là trong cuộc tập kích đường không cuối năm 1972, Mỹ đã sử dụng đồng bộ các trang bị tác chiến điện tử trên các máy bay gây nhiễu chuyên dụng như: EB-66, EC-121 và trên các máy bay B-52 với cường độ cực lớn gây khó khăn cho hệ thống rađa cảnh giới, rađa dẫn đường của không quân và rađa điều khiển hỏa lực của tên lửa phòng không.
 
Tuy nhiên, Mỹ đã đánh giá không đúng về khả năng của Bộ đội Tên lửa của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam. Mỹ cho rằng với hệ thống nhiễu dày đặc hoàn toàn có thể vô hiệu hóa được hệ thống tên lửa phòng không của Việt Nam. Lực lượng có thể uy hiếp trực tiếp máy bay chiến lược B-52 chỉ còn là các máy bay MiG. Vì vậy, các máy bay B-52 chỉ tấn công mục tiêu vào ban đêm và để loại trừ triệt để khả năng bị MiG tấn công, trước khi các máy bay ném bom chiến lược B-52 bay đến mục tiêu khoảng 2 giờ, vào khoảng 18 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút đêm 18/12, toàn bộ các sân bay chủ yếu của không quân ta như Đa Phúc, Thọ Xuân, Kiến An, Kép, Yên Bái và cả sân bay Gia Lâm (sân bay chưa bao giờ không quân Mỹ đánh phá) đều bị các máy bay F-111A của không quân và A-6 của hải quân đánh phá ác liệt.
 
Nhằm khắc phục cường độ nhiễu rất đậm đối với các trận địa rađa dẫn đường quanh khu vực Hà Nội, Bộ đội Không quân đã triển khai các đài dẫn đường bổ trợ ở vòng ngoài như từ Cẩm Thủy (Thanh Hóa), Mộc Châu (Sơn La) nơi có cường độ nhiễu thấp hơn, tạo thuận lợi cho việc phát hiện mục tiêu và dẫn máy bay MiG-21 tiếp cận máy bay địch.
 
Mặt khác, để bảo đảm có thể xuất kích liên tục từ nhiều hướng, các sân bay Đa Phúc, Yên Bái được sửa chữa gấp, dùng hệ thống đèn đêm dã chiến để các máy bay MiG-21 có thể cất cánh và hạ cánh. Các sân bay dã chiến và sân bay mới sửa xong cũng được sử dụng. Việc đưa MiG-21 cất cánh ban đêm từ sân bay Yên Bái (đêm 27/12/1972), sân bay dã chiến Cẩm Thủy (đêm 28/12/1972) và sử dụng các đài rađa dẫn đường bổ trợ từ vòng ngoài đã gây bất ngờ cho phía Mỹ và đạt hiệu quả chiến đấu tốt.
 
Chính các phương pháp hiệp đồng tác chiến theo khu vực đã tạo được thế trận liên hoàn, có khả năng đánh địch từ xa và không cản trở hỏa lực tên lửa khi địch bay vào khu vực sát thương của tên lửa phòng không. Có thể nói, đây là một quyết định táo bạo, đầy sáng tạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng khi phải đối phó với một đợt tập kích dồn dập và phương tiện thông tin liên lạc giữa các sở chỉ huy còn rất thiếu thốn. Vì vậy, để tránh phức tạp, các máy bay MiG-21 sau khi cất cánh đã bay thấp qua vùng hỏa lực phòng không. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ lại giảm độ cao từ xa và về sân bay hạ cánh từ độ cao cực thấp, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.
 
Trung tướng Phạm Tuân
 
Theo Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, phi công trực tiếp bắn rơi B-52, trước khi mở cuộc tập kích đường không chiến lược cuối năm 1972, Mỹ đã nhiều lần đánh thăm dò rất kỹ, đặc biệt sau khi có trong tay các tên lửa SAM-2 thu được từ Ai Cập và mổ xẻ, nghiên cứu, cùng với hệ thống gây nhiễu tối tân, Mỹ tự tin B-52 không thể bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.
 
Thế nhưng, chính từ sự tìm tòi, sáng tạo qua thực tiễn chiến đấu, bộ đội tên lửa của ta đã nghiên cứu, cải tiến lại mạch bắt của tên lửa (chỉ bám sát tín hiệu đạn có tốc độ dương), hiệp đồng tác chiến với không quân để bắn rơi B-52 ngay đêm đầu tiên của chiến dịch.
 
Nhớ như in giây phút bắn hạ B-52 của Mỹ, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: “21h ngày 27/12, tôi được lệnh xuất kích, bay lên thì gặp F4 trên đầu nhưng không được bắn, phải vòng qua. Một lúc sau phát hiện B52, tôi bám theo, khi cách 4km thì phóng hai quả tên lửa. Quả tên lửa thứ nhất bay vút đi, quả thứ hai theo sau tạo thành một đường sáng rực. Tôi kéo máy bay lên và lật ngửa thì nhìn thấy chiếc B52 nổ”.
 
45 năm đã trôi qua, chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không đã cho thấy bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đồng thời là bài học quý cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t