Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không: Bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam (11:21 07/12/2017)


HNP - Sáng 7/12, nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không”. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ nhấn mạnh: Cách đây vừa tròn 45 năm, vào những ngày cuối tháng 12/1972, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân đã tiến hành chiến dịch phòng không, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan huyền thoại “Pháo đài bay” của lực lượng không quân hiện đại bậc nhất thế giới, góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
 
Việc tổ chức Hội thảo nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" một lần nữa khẳng định và làm sáng tỏ tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng và phát triển nghệ thuật tác chiến Phòng không, Không quân nói chung, nghệ thuật tác chiến Phòng không bảo vệ mục tiêu yếu địa nói riêng. Đây cũng là dịp để tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu không tiếc máu xương, anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về yêu cầu nhiệm vụ của Bộ đội Phòng không - Không quân trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Trung tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
 
Tại hội thảo, tham luận của các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học đã khẳng định và làm sáng tỏ sự chủ động, nắm chắc tình hình, dự báo chính xác của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Bộ Tổng tham mưu, từ đó giúp quân và dân ta chuẩn bị tác chiến, không bị bất ngờ. Các đại biểu cũng tập trung làm rõ bối cảnh chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ khi quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược và Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận trên miền Bắc Việt Nam, đồng thời, đi sâu phân tích và làm rõ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu đối với Quân chủng Phòng không - Không quân trong việc chuẩn bị phương án, kế hoạch tác chiến phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận sẵn sàng đánh trả các cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ; đánh giá vai trò của tinh thần quyết tâm thực hiện kế hoạch tác chiến của các cấp chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói chung và Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng.
 
Tham luận tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tập trung làm rõ sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội trong chủ động, tích cực chuẩn bị chống địch tập kích đường không và đúc rút một số bài học kinh nghiệm. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Thành ủy Hà Nội đã vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, chủ động ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị chống địch tập kích đường không.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tham luận tại Hội thảo
 
Theo đó, ngay từ tháng 4/1972, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu Ủy ban hành chính, Hội đồng phòng không các cấp vận động, đôn đốc, đưa khoảng 30 vạn người sơ tán ra khỏi nội thành. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 12/1972), Thành phố đã đưa được gần 50 vạn người dân và 1.200 cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện sơ tán ra khỏi nội thành.
 
Cùng với đó, hệ thống hầm trú ẩn, công sự chiến đấu và hào giao thông được xây dựng và phát triển mạnh trong các tuyến phố nội thành, với tổng số 45 ngàn km hào giao thông, 5,6 ngàn hầm trú ẩn, hầm chiến đấu tập thể và trên 63 vạn hố cá nhân, đủ chỗ trú ẩn, trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu cho 90 vạn người. Hệ thống giao thông, thông tin liên lạc được đảm bảo để phục vụ công tác điều hành, sẵn sàng chiến đấu…
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội chính quy, Hà Nội đã quan tâm phát triển lực lượng dân quân tự vệ với 4 đại đội pháo cao xạ 100mm, 92 trận địa súng máy cao xạ 14,5mm, hơn 100 súng trường của dân quân tự vệ các nhà máy, hợp tác xã ở nội và ngoại thành sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không và truy lùng giặc lái máy bay Mỹ nhảy dù… Với sự tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Thành ủy, công tác chuẩn bị chiến đấu của thủ đô Hà Nội được tiến hành khẩn trương, có hiệu quả, góp phần làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược, với quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của đế quốc Mỹ.
 
Từ thực tiễn cuộc chiến 12 ngày đêm, Thành ủy Hà Nội đã đúc rút ra 4 bài học kinh nghiệm lớn, đó là tập trung cao độ, thực sự chủ động, nhạy bén, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng; phát huy tốt vai trò, vị thế, trách nhiệm và nội lực Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành cả nước, đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa quân và dân; giữa các lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng và của Thủ đô Hà Nội...

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t