45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không:


Bài 2: Đập tan âm mưu xâm lược (10:47 13/12/2017)


HNP - Sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương trong chủ động nắm bắt, dự báo tình hình; sự sáng tạo của quân và dân ta cùng với sức mạnh của thế trận phòng không nhân dân là những nhân tố quan trọng làm nên "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Từ tháng 5-1966, bộ đội tên lửa đã được điều vào Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B-52 theo lời dặn của Bác Hồ: “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang


Từ chủ động nắm tình hình, nghiên cứu cách đánh B-52
 
Ngay từ những năm 1962, khi Đại tá Phùng Thế Tài vừa được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phòng không, Bác Hồ đã gọi ông lên và hỏi: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Bác nói tiếp: “Nói thế thôi, chú có biết lúc này cũng chưa làm gì nó được. Nó bay trên cao 10 cây số mà trong tay chú hiện nay chỉ mới có pháo cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B-52 này”. 
 
Ngày 18/6/1965 là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 ném bom dải thảm khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn). Ngay sau đó 1 tháng, ngày 19/7/1965, Bác Hồ đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân tại Trung đoàn 234 (Đoàn pháo cao xạ Tam Đảo). Tại đây, Bác khẳng định: “... Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì đi nữa chúng ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.
 
Tiếp đó, ngày 12/4/1966, Mỹ dùng B-52 ném bom khu vực Đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), mở đầu cho việc đánh phá bằng B-52 tại miền Bắc nước ta. Ít lâu sau, B-52 mở rộng diện đánh phá đến Vĩnh Linh, phía Bắc vĩ tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội. Khi đó, Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân: “B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân”.
 
Đến đầu Xuân Mậu Thân 1968, Bác Hồ đã gọi đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đến báo cáo tình hình. Tại đây, Bác đã dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
 
Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã thông qua kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là một chiến dịch phòng không được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền Bắc, lấy Quân chủng Phòng không - Không quân làm nòng cốt. Sau khi ký duyệt, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ra lệnh: “Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3/12/1972”, đồng thời dặn thêm: “Trước ngày Ních-xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, các đồng chí phải nắm địch thật chắc, tuyệt đối không để bị bất ngờ...”
 
Đặc biệt, đầu tháng 12/1972, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã xuống Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp nghe kế hoạch đánh B-52 của Quân chủng và nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.
 
Đến chủ động chuẩn bị về chiến dịch, chiến thuật
 
Trên cơ sở nhận định và những chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân đã khẩn trương chuẩn bị các tài liệu hướng dẫn về cách đánh B-52 để phổ biến cho các đơn vị, tiêu biểu là cuốn “Cẩm nang bìa đỏ”, cuốn “Cách đánh B-52 của Bộ đội tên lửa”... đây là kết quả từ việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn quý giá của lực lượng Phòng không - Không quân tại chiến trường Khu 4.
 
Trước đó, từ tháng 5/1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều Trung đoàn tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B-52 theo lời dặn của Bác Hồ: “Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang”. Sau một thời gian dày công tìm tòi, nghiên cứu cách đánh, nhận dạng máy bay B-52, đến ngày 17/9/1967, Tiểu đoàn 84-Trung đoàn 238 đã bắn rơi 1 chiếc B-52 và trở thành kíp tên lửa đầu tiên của bộ đội tên lửa Phòng không - Không quân Việt Nam bắn rơi được “pháo đài bay B-52” của không quân chiến lược Mỹ.
 
Tiếp đó, từ những năm 1968 đến giữa năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục đưa một số đơn vị tên lửa phòng không và máy bay MIC-21 vào Khu 4 để chi viện cho chiến trường Trị-Thiên và trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52.
 
Cùng với biên soạn tài liệu, Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã tổ chức các hội nghị cán bộ tập trung bàn cách đánh B-52, đồng thời, làm tốt công tác đảng, công tác chính trị cho cán bộ, chiến sỹ. Bởi vào thời điểm này, với những tuyên bố của phía Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống đã xuất hiện trong tư tưởng một bộ phận cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Phòng không - Không quân cũng như lực lượng vũ trang miền Bắc nói chung về “ảo tưởng hòa bình”.
 
Như vậy, với sự chủ động cả về chiến lược, sự chuẩn bị chu đáo về chiến thuật, đêm ngày 18/12/1972, khi chiến dịch tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội bắt đầu, quân và dân ta đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ để tập trung chiến đấu, đập tan âm mưu xâm lược, làm nên chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t