45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không:


Bài 1: Mỹ cố cứu vãn nguy cơ “thảm bại” tại Việt Nam (10:49 13/12/2017)


HNP - Những ngày cuối tháng 12 của 45 năm về trước, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược, ồ ạt đưa máy bay ném bom, đánh phá miền Bắc nước ta, với âm mưu “biến Hà Nội về thời đồ đá” nhằm bẻ gẫy ý chí chiến đấu của quân và dân ta...

Bệnh viện Bạch Mai bị tàn phá ngày 22/12/1972


Trở lại bối cảnh cuối năm 1964, đầu năm 1965, Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã quyết định thay đổi chiến lược, gấp rút đưa quân viễn chinh vào chiến trường miền Nam, đồng thời, sử dụng hải quân và không quân đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Bị thất bại trên cả 2 miền Nam, Bắc, từ ngày 31/1/1968, Mỹ buộc phải thực hiện ném bom hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào. Tiếp đó, ngày 1/11/1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc.
 
Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bước vào giai đoạn quyết định. Ở miền Nam, bằng cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè năm 1972, quân và dân ta đã giành thắng lợi lớn, cơ bản giải phóng tỉnh Quảng Trị, đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Để vãn hồi, ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn huy động lực lượng lớn không quân và hải quân ở khu vực Đông Nam Á tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với miền Bắc với quy mô, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.
 
Đầu tháng 10/1972, ở miền Nam, quân và dân ta tiếp tục giành được nhiều thắng lợi lớn. Lúc này, trước những tổn thất lớn và áp lực từ các phong trào phản chiến, Mỹ vừa phải tiếp tục triệt thoái các đơn vị bộ binh, vừa tăng cường “Mỹ hóa” trở lại bằng không quân và hải quân để ngăn chặn cuộc tiến công của ta. Tình hình đó đã tác động sâu sắc đến nội bộ nước Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đang đến gần, gây sức ép rất lớn đến đường lối của Tổng thống Nich-xơn đang tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.
 
Trước sức ép của phong trào phản chiến tại Mỹ, trong 3 ngày 8-10/10/1972, tại Paris, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ tiến hành phiên họp kín lần thứ 19 và phái đoàn ta đưa ra dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, phía Mỹ đã chấp nhận bản Hiệp định này. Khi đó, Tổng thống Mỹ Ních-xơn và Kít-xinh-giơ đã tung tin, lừa bịp dư luận rằng “hòa bình đã trong tầm tay”, “chiến tranh sắp vãn hồi”... để lôi kéo, tranh thủ cử tri Mỹ trong bầu cử.
 
Tuy nhiên, khi tái cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, ngày 7/11/1972, Ních-xơn đã ra lệnh bí mật chuẩn bị một chiến lược tập kích đường không chiến lược bằng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu quan trọng trên miền Bắc. Các cuộc tập kích này được mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” (tạm dịch là “Tiền vệ” hay “Cứu bóng trước khung thành”) nhằm đánh hủy diệt, làm tê liệt ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta. Cùng với đó, sau nhiều lần họp đi họp lại, Mỹ cố tình lật lọng, đòi ta phải sửa đổi những điều rất cơ bản trong Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” mà trước đó phía Mỹ đã chấp thuận. Ngày 13/12/1972, theo lệnh của Ních-xơn, Kít-xinh-giơ tuyên bố bỏ họp vô thời hạn...
 
Âm mưu “biến Hà Nội về thời đồ đá”
 
Ngày 17/12/1972, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II”, sử dụng không quân chiến lược B-52, tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Mỹ đã huy động một lực lượng hùng hậu, với 193 trên tổng số 400 chiếc B-52; 1.077 chiếc trên tổng số 3.043 chiếc máy bay chiến thuật các loại; 6 trên tổng số 14 tàu sân bay; trên 50 máy bay tiếp dầu và một số máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát... cùng 60 chiến hạm của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương để tham gia cuộc tập kích đường không này.
 
Ngoài ra, tất cả các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á như căn cứ Cờ-lác, Su-bích ở Philippin, kể cả căn cứ Okinaoa ở Nhật Bản đều được sử dụng tối đa để phục vụ cho cuộc tập kích này. Lầu Năm Góc đã cấp tốc thành lập Bộ Chỉ huy lâm thời, đóng ở Utapao, do tướng Joshn-vốt làm Tư lệnh. Với quy mô như trên, đây là cuộc huy động lực lượng lớn chưa từng có của Mỹ từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2.
 
Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu trọng yếu khác trên miền Bắc nước ta hơn 100 nghìn tấn bom đạn. Riêng thủ đô Hà Nội, chúng đã sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng hàng nghìn lần chiếc máy bay chiến thuật, trút xuống Hà Nội hơn 10 nghìn tấn bom, sức công phá hủy diệt tương đương 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki của Nhật Bản trong Thế chiến 2.
 
Với quy mô, tính chất ác liệt như vậy, cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ năm 1972 đã phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, giết hại 2.368 dân thường và làm bị thương 1.355 người. Phố Khâm Thiên, một khu vực có mật độ dân số cao nhất Hà Nội đã bị bom B-52 tàn phá cả chiều dài trên 1km, gần 2 nghìn ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị đánh sập, làm 287 người chết, 290 người bị thương...
 
Với việc tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược năm 1972, Mỹ không chỉ nhắm tới mục tiêu đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho chiến trường miền Nam, làm giảm thế và lực của ta so với quân đội và chính quyền Sài Gòn, mà thông qua đó còn đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, bởi Mỹ tự tin về khả năng “bất khả chiến bại” với việc sử dụng lực lượng không quân tối tân, hùng hậu, với những “con át chủ bài” của mình, đó là B-52.

Nguyễn Văn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t