Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Tăng trưởng năm 2017 của Hà Nội cao nhất trong 7 năm trở lại đây (14:23 04/12/2017)


HNP - Sáng 4/12, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP Hà Nội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2017 của thành phố Hà Nội vừa nhấn mạnh: với mức tăng trưởng 8,5%, Hà Nội đã đạt mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại kỳ họp


Kết quả toàn diện

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, năm 2017, kinh tế thủ đô tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước tăng 8,5%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây; tổng thu ngân sách của Thành phố đạt 101,4% dự toán (tăng 15,7% so với thực hiện năm 2016); quy mô kinh tế được mở rộng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị phát triển theo hướng hiện đại.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và y tế tiếp tục phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là về xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội; công tác giải quyết việc làm, giảm tỷ lê hộ nghèo được quan tâm; việc bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được chăm lo; xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ và đạt kết quả tốt; công tác tư pháp, phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực hơn.

An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền được nâng cao, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đã có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở.

Chính quyền thành phố Hà Nội đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ. Cải cách thủ tục hành chính được quan tâm chỉ đạo tập trung vào các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp và hỗ trợ đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, trong những thành tích chung của thành phố Hà Nội, có sự đóng góp quan trọng của từng đại biểu HĐND. Trong những năm qua, hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội không ngừng được đổi mới về phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định; hoạt động kỳ họp có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của Thành phố; hoạt động giám sát được thực hiện thiết thực, hiệu quả; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới với phương châm giám sát đến cùng những vấn đề quan trọng, người dân bức xúc, qua đó có tác động tích cực đến công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền, được dư luận, cử tri và nhân dân đồng tình, ghi nhận; vị trí, vai trò của cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng lợi ích chính đáng của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương ngày càng được khẳng định.

Đưa tinh thần cải tiến, đổi mới vào hoạt động chỉ đạo, điều hành

Tán thành với những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu được nêu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Thành phố Hà Nội trong thời gian tới cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Môt là, tiếp tục triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời, quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Sự ổn định tăng trưởng của Hà Nội rất quan trọng vì Hà Nội là thủ đô có ảnh hưởng nhiều tới chỉ tiêu tăng trưởng của toàn quốc. Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trước những yếu kém, khuyết điểm đã được HĐND chỉ rõ trong báo cáo và phát biểu của các đại biểu HĐND; có giải pháp quyết liệt. Phối hợp chặt chẽ với bộ ngành trung ương và địa phương.

Hai là, siết chặt kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong quản lý đô thị. Tăng cường công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị, thượng tôn pháp luật. Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự công cộng, đảm bảo lòng đường, hè phố thông thoáng, sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện hợp lý; đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường; đẩy mạnh hoạt động phòng chống dịch, không để dịch lớn xảy ra; đảm bảo công tác an sinh xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục kịp thời các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là tại các khu chung cư cao tầng, khu công nghiệp, làng nghề...

Cùng với đó, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân Thủ đô trong công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tổ chức thực hiện tốt pháp luật, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đề cao trách nhiệm, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Ba là, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo đúng tinh thần của Hiến pháp, Nghị quyết trung ương 6 về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả như chủ đề trọng tâm thành phố xác định cho năm 2018. Trên cơ sở đó tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện rà soát, chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng công khai, minh bạch, thông thoáng, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; cắt giảm triệt để những chi phí không hợp lý cho chính quyền và người dân. Xây dựng quy chế làm việc của từng cơ quan, đơn vị, xác định rõ người, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ hiệu quả của mỗi tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất lao động, bởi lẽ năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) dù đã được cải thiện trong năm 2016 song vẫn chưa tương xứng với vị thế Thủ đô, chưa đáp ứng yêu cầu; kết quả cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tập trung vào 03 chỉ số thành phần đang ở mức thấp so với cả nước: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân. Tiếp tục cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, cần tập trung vào 5 chỉ số bởi nếu 5 chỉ số này thực hiện tốt thì CPI sẽ tăng cao hơn: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Môi trường cạnh tranh bình đẳng và Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố.

Bốn là, tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo hơn nữa trong hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND TP.

Năm là: Thường trực HĐND thành phố cần tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và UBND thành phố trên các lĩnh vực hoạt động, như: công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp; tiến hành kỳ họp, xây dựng và thông qua các nghị quyết; triển khai nghị quyết của HĐND; giải quyết các vân đề phát sinh giữa hai kỳ họp; hoạt động giám sát, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri... Bên cạnh đó, cần tăng cường, phối hợp tốt với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Ban Công tác đại biểu và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoạt động để một mặt tạo sự kết nối giữa trung ương với địa phương, một mặt nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của HĐND thành phố Hà Nội.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t