Hội thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Y học gia đình (22:32 08/11/2017)


HNP - Sáng 8/11, Bộ Y tế tổ chức hội thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình (BSGĐ) và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Y học gia đình.


Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, thế giới đánh giá 80% hoạt động trạm y tế tại Việt Nam đã là hoạt động của mô hình BSGĐ, do đó, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong việc triển khai mô hình này. Hiện nay, mô hình bác sĩ gia đình đã được Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 8 tỉnh/thành.

Sau 3 năm triển khai thí điểm tại Sóc Sơn, khi tích hợp nguyên lý y học gia đình vào cơ sở chăm sóc ban đầu, Sóc Sơn đã làm tốt việc quản lý các bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường, tim mạch và phát triển thêm mảng châm cứu, lão khoa tại cơ sở. Đến nay, 26 trạm y tế xã đã mang lại doanh thu tăng từ 15 tỷ đồng lên 90 tỷ đồng.

Thứ trưởng nhấn mạnh, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân là ở tuyến dưới và y tế cơ sở hoàn toàn làm tốt điều này. Tuy nhiên, phần quản lý bệnh mãn tính chưa chú trọng, phần y tế dự phòng cũng chưa thật sự được người dân quan tâm, nên khi mắc bệnh, người dân lại dồn lên tuyến trên, gây ra tình trạng quá tải. Do đó, triển khai mạnh mô hình BSGĐ, sẽ giúp cả hai công việc, khám, chữa bệnh và triển khai công tác dự phòng tại y tế cơ sở.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mô hình phòng khám BSGĐ; quan điểm thống nhất về cấp văn bằng, chứng chỉ; quy định cụ thể về phạm vi được chỉ định kỹ thuật, kết luận chẩn đoán, kê đơn của BSGĐ theo phạm vi đa khoa.

Các đại biểu cũng cho rằng cần liên tục mở các lớp đào tạo liên tục BSGĐ vì lực lượng này đang rất thiếu. Do đó, sẽ lấy nguồn nhân lực chính là bác sĩ đa khoa, sau đó sẽ mở rộng dần đối tượng đào tạo. Bên cạnh đó, vướng mắc nhất hiện nay để triển khai mô hình này chính là cơ chế thanh toán tài chính của phòng khám BSGĐ. Bảo hiểm Y tế Việt Nam chưa mặn mà kết hợp để hướng về cộng đồng chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Trả lời những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, về mô hình tổ chức, hiện nay ở Mỹ cũng triển khai mô hình có BSGĐ ở tuyến trên. Khi các bác sĩ ở tuyến dưới không đủ năng lực để xử lý, sẽ có sẵn mô hình BSGĐ ở tuyến trên đón nhận bệnh nhân để người bệnh yên tâm. Về hình thức đào tạo, có thể sẽ triển khai đào tạo nhiều đợt, phù hợp cho điều kiện từng trạm y tế xã vì mỗi trạm y tế chỉ có một bác sĩ không thể thực hiện việc đi đào tạo dài ngày.

Qua 31 lần lấy ý kiến để xây dựng Thông tư, Thứ trưởng hy vọng trong thời gian ngắn nhất, sẽ triển khai mô hình bác sĩ gia đình cho 11 nghìn trạm y tế, tiết kiệm cả về kinh phí và thời gian đi lại cho người dân không phải di chuyển lên tuyến trên.


Bình An


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t