Đón nhận danh hiệu huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới (14:57 26/10/2017)


HNP - Sáng 26/10, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ công bố và đón nhận danh hiệu huyện Thanh Trì đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2017.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017 cho huyện Thanh Trì


Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội; Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Thành phố Hà Nội; Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP; Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội; các bà mẹ Việt Nam Anh hùng; cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
 
Qua 05 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nhân dân, cán bộ và đảng viên huyện Thanh Trì đã chung sức, đồng lòng phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần đoàn kết để vượt qua nhiều khó khăn, ra sức thi đua thực hiện các mục tiêu, tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, 15/15 xã của huyện đã đạt chuẩn NTM. Tổng vốn đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2016 là 2.360 tỷ đồng. Thanh Trì trở thành một trong 3 huyện cán đích chuẩn NTM sớm nhất trên toàn thành phố.

Xác định quy hoạch phải đi trước một bước để định hướng và đảm bảo phát triển bền vững. Năm 2012, UBND huyện Thanh Trì đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM của 15 xã và ban hành quy chế quản lý theo quy hoạch. Hệ thống giao thông từ đường làng, ngõ xóm, đường nội đồng đến đường liên thôn, liên xã, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, các công trình bảo vệ môi trường, các thiết chế văn hoá, các công trình tri ân các anh hùng liệt sĩ được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ.

Với lợi thế của huyện là huyện ven đô, có khả năng cung cấp các sản phẩm về nông nghiệp cho Thủ đô; huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa. Đến nay, huyện đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ổn định như vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã Đại Áng, Đông Mỹ; vùng trồng rau an toàn tại các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, vùng trồng cây ăn quả tập trung xã Vạn Phúc, vùng trồng lúa chất lượng cao tại các xã Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của huyện Thanh Trì ước đạt 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 2%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên toàn huyện đạt trên 90%.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường có nhiều tiến bộ vượt bậc. Chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên, công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, nhiều lao động nông thôn được tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ. Từ đ,ó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 45% năm 2011 lên 65% vào năm 2017.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi lễ


Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành tích, kết quả đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì đã đạt được. Đồng thời cho rằng việc đón nhận Bằng đạt chuẩn NTM là vinh dự, là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Thanh Trì tiếp tục nỗ lực phấn đấu để giữ vững những tiêu chí đã đạt được, phấn đấu đạt những thành quả cao hơn, giữ vững mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra.

Đồng chí cũng đề nghị huyện tiếp tục kế thừa, phát huy những giá trị, thành quả đạt được trong xây dựng NTM lên tầm cao hơn, đổi mới tư duy trong xây dựng phát triển địa phương, tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, Thanh Trì cũng cần quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử; bảo tồn, tôn tạo, nâng cao giá trị văn hóa, chăm lo hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Để phát huy tiềm năng lợi thế về giao thông, văn hóa, lịch sử, huyện cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển để đưa Thanh Trì sớm trở thành đô thị nội đô và hành lang xanh theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đổi mới công nghệ; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, huyện cũng cần quan tâm xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, chú trọng đến các công trình về y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa... góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giao thông. Đặc biệt là đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; giữ vững trật tự, an toàn, an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Thanh Trì cần chủ động rà soát và có các giải pháp để khắc phục hạn chế, tồn tại nhằm giữ vững, nâng cao tiêu chí xây dựng NTM đã đạt được; xây dựng các mô hình NTM và huy động mọi nguồn lực cho xây dựng NTM trong các giai đoạn tiếp theo. Phấn đấu để Thanh Trì trở thành huyện NTM tiêu biểu và phát triển bền vững của Thủ đô. 


Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t