Xây dựng Hà Nội thực sự trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về văn hóa (21:18 19/09/2017)


HNP - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 06/01/2012, của Bộ Chính trị (khóa XI) “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”, sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của thành phố phát triển mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu chủ yếu dẫn đầu cả nước. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo.

Trong đó, các chủ trương về nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở được tập trung thực hiện tốt; đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt. Hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội có chuyển biến tốt, đã có 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hoá, 55% làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hoá, 70% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hoá. Xây dựng, ban hành, tập trung thực hiện Quy tắc ứng xử trong các cơ quan thuộc Thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng; giáo đục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô...

Cùng với đó, quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Triển khai xây đựng mô hình trường chất lượng cao. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các bậc học, ngành học vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo được tăng cường; hoàn thành việc xóa phòng học tạm và phòng học nhà cấp 4; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập THCS đạt 99,36%, phổ cập THPT đạt 90%; đến năm 2016, toàn Thành phố có 54,7% trường đạt chuẩn quốc gia. Coi trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; bình quân mỗi năm Thành phố đào tạo nghề cho trên 15 vạn lao động và giải quyết việc làm cho 14 vạn lượt lao động; tỷ lệ thất nghiệp năm 2016 là 4,22%. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện trong nhân dân tiếp tục mở rộng và phát triển; đang tích cực thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đến cuối năm 2016, toàn Thành phố đạt 81,9%.

Trong lĩnh vực y tế, giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố đã đầu tư trên 3.400 tỷ đồng từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị y tế trên địa bàn. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; đã thực hiện thành công một số kỹ thuật mới. Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng các cơ sở y tế chất lượng cao, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hệ thống y tế cơ sở và mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, chất lượng y tế cộng đồng có chuyển biến; dịch bệnh được kiểm soát; công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tiến hành thường xuyên, không để xảy ra ngộ độc lớn trên địa bàn.

Các vấn đề an sinh, xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả, nhất là công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo thiết thực các đối tượng chính sách, người có công. Chính sách giảm nghèo, hỗ trợ người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt,... được quan tâm và thực hiện có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Cuối năm 2015, theo chuẩn chung của cả nước, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo (tỷ lệ hộ nghèo ước còn 0,96%, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của Thành phố là dưới 2% cuối năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 (theo chuẩn hộ nghèo tiếp cận đa chiều) là 2,37% (giảm 0,9% so với năm 2015); Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của Thành phố cuối năm 2017 còn 1,7% (tương đương giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,6%), là mức thấp thứ 3 toàn quốc. Chất lượng cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người được cải thiện rõ rệt, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa khu vực đô thị và nông thôn. Công tác đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội được thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa; xây dựng và tăng cường quản lý, đầu tư, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa. Thực hiện tốt mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện. Tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức chấp hành và trách nhiệm thực thi pháp luật của người dân Thủ đô. Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố.

Phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn, tiêu biểu hàng đầu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao của cả nước. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Đẩy mạnh xây dựng mô hình trường chất lượng cao theo Luật Thủ đô; ưu tiên đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao; khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, trước hết đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; khuyến khích liên kêt với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín.

Phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh giải quyết việc làm. Tích cực hỗ trợ, duy trì việc làm ổn định cho người lao động và bảo đảm thực hiện tốt phúc lợi xã hội; đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn, gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tăng cường công tác xã hội hoá trong lĩnh vực đào tạo nghề; nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t