Xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc (12:43 18/09/2017)


HNP - Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” đã được Thành ủy tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đến nay, đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trong đó lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng, có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt.

Thành phố đã chủ động chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án để triển khai thực hiện các Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được chú trọng, đã ban hành các quy định về quản lý kiến trúc, quy hoạch; tích cực thực hiện công tác chỉnh trang đô thị; tăng cường đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, tập trung đẩy mạnh thực hiện, hoàn thành khối lượng lớn các quy hoạch ngành, lĩnh vực, các quy hoạch phân khu; cơ bản hoàn thành các đồ án quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh; tiếp tục tập trung hoàn thành các quy hoạch chi tiết đối với các khu vực quan trọng của Thủ đô. Công tác quy hoạch và quản lý đô thị đã gắn kết với Vùng Thủ đô và kết nối giao thông trong Vùng.

Thành phố đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành đề ra biện pháp, lộ trình, xây dựng cơ chế khuyến khích phục vụ di dời các cơ quan, đơn vị của Trung ương ra ngoài khu vực nội thành; đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường vành đai, các trục chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô; phát triển nhiều công trình lớn, hiện đại như Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù và hoàn thành 08 cầu vượt trong khu vực nội đô; 12 công trình cầu yếu, quan trọng trên địa bàn các quận, huyện; đưa vào hoạt động tuyến buýt nhanh BRT;.... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được chú trọng đầu tư. Chất lượng dịch vụ đô thị tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khu vực đô thị đạt 98,5%, khu vực nông thôn đạt 38%.

Thành phố cũng đang tập trung cải tạo các khu chung cư cũ; rà soát, bổ sung quy hoạch, giới thiệu các quỹ đất xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn, đồng bộ, các bãi đỗ xe ngầm, khách sạn, bệnh viện, công viên, sân chơi, vườn hoa. Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh trong các lĩnh vực: khu, cụm công nghiệp, dịch vụ thương mại, bãi đỗ xe, công viên; quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ các khu chung cư cũ. Kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư: lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (giao thông, trạm trung chuyển rác và xử lý rác thải, nước thải, cấp nước sạch nông thôn) và lĩnh vực y tế. Công tác quản lý xây dựng và trật tự đô thị được tăng cường và có chuyển biến rõ rệt. Ban hành, tổ chức thực hiện 04 quy chế quản lý kiến trúc quan trọng và triển khai, xây dựng 28 quy chế quản lý quy hoạch, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây đựng, hạn chế tối đa phát sinh các trường hợp vi phạm mới. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự đô thị, xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, quảng cáo trái phép;... góp phần bảo đảm trật tự, mỹ quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất, nhất là đất nông nghiệp còn nhiều và chậm được xử lý; việc lập quy hoạch ở một số địa phương và quy hoạch các khu đô thị vệ tinh còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ giãn dân khu vực nội đô còn thấp, thiếu cơ chế, chính sách hiệu quả để thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa; cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng ở một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ. Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành chậm và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được xử lý kịp thời…

Nguyên nhân của những hạn chế kể trên, là do thành phố đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, quy hoạch phát triển đô thị được điều chỉnh và ngày càng mở rộng, khối lượng các dự án phải thu hồi đất, GPMB trên địa bàn rất lớn, trong điều kiện cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện. Nguồn gốc sử dụng đất phức tạp trong khi hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai, theo dõi biến động sử dụng đất chưa đầy đủ. Chưa có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội tham gia phát triển các khu đô thị tái định cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển và quản lý đô thị. Trong đó, tập trung hoàn thiện, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các quy hoạch phát triển, trọng tâm là triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật. Hoàn thành quy hoạch không gian kiến trúc đô thị tiêu biểu; chú trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, không gian, cảnh quan, kiến trúc, phố cổ, làng cổ, thành cổ đặc trưng của Thủ đô.

Đặc biệt, ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển đô thị, tập trung phát triển giao thông công cộng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 nhằm giảm ùn tắc giao thông. Hoàn thiện và đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị: Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Ga Hà Nội, triển khai tuyến đường sắt Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, nghiên cứu, kêu gọi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại. Cơ bản hoàn thành các tuyến đường vành đai: 1; 2; 2,5; 3 và 3,5. Triển khai các đoạn đường vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội. Nâng cấp mở rộng các trục chính hướng tâm. Tiếp tục xây dựng, hiện đại hóa hệ thống quản lý giao thông và mạng lưới giao thông tĩnh. Quy hoạch, xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông ở ngoại thành để thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu và bệnh viện theo quy hoạch.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ đồng bộ triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng thành phố Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững.


Văn Chiến


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t