Nhiều quận, huyện chưa làm hết trách nhiệm trong công tác vệ sinh môi trường (15:29 12/09/2017)


HNP - Phát biểu tại phiên giải trình do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức sáng 12/9, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, còn tình trạng lãnh đạo một số quận, huyện, đặc biệt là lãnh đạo phường, xã chưa làm hết trách nhiệm trong công tác vệ sinh môi trường, chưa quyết liệt kiểm tra, đôn đốc việc thu gom rác thải trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên giải trình


Một trong năm giải pháp nâng cao chất lượng sống cho người dân

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, ngay từ đầu năm 2016, lãnh đạo UBND TP thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy về công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải, xử lý ô nhiễm không khí… được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của khóa này, là 1 trong 5 nội dung để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

Trên cơ sở đó, UBND TP đã xây dựng kế hoạch để triển khai cụ thể các nội dung. Từ tháng 5/2016, UBND TP đã cử đoàn công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP dẫn đầu tham gia triển lãm trang thiết bị môi trường của châu Âu tổ chức tại Đức, qua đây đã tìm hiểu công nghệ để xây dựng tiêu chí cơ giới hóa việc thu gom, xử lý nước thải cũng như công nghệ xử lý ô nhiễm ao, hồ.

Cùng với đó, UBND TP đã giao Sở Tài chính chủ trì với các Sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường rà soát quy trình, định mức đơn giá trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Trực tiếp các đồng chí lãnh đạo TP cũng đã tổ chức đoàn xuống khu xử lý rác thải Nam Sơn, Xuân Sơn để đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải quyết kiến nghị của nhân dân.

Thành phố cũng triển khai việc đấu thầu công khai việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, tổ chức thông báo công khai chủ trương này từ tháng 6/2016 để các đơn vị được biết, bắt đầu nhận hồ sơ đấu thầu từ tháng 12/2016 và thực hiện đơn giá mới từ 1/3/2017 để các đơn vị có thời gian chuẩn bị. Trên cơ sở đó, Thành phố đã tổ chức đấu giá thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải một cách công khai, minh bạch, giảm mỗi quận, huyện có từ 3-4 đơn vị thu gom, vận chuyển xuống còn 1 đơn vị có năng lực nhất để hạn chế tình trạng nhiều đơn vị đổ vấy trách nhiệm cho nhau.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, từ tháng 7/2016, UBND TP đã báo cáo HĐND TP để ban hành Nghị quyết 41 về phân cấp toàn bộ nhiệm vụ quản lý, đôn đốc thu gom, vận chuyển rác thải thuộc về trách nhiệm của Chủ tịch quận, huyện, tuy nhiên TP và Sở Xây dựng vẫn có trách nhiệm và thường xuyên đôn đốc các quận, huyện thực hiện công tác này.

Đặc biệt, TP đã đưa chế phẩm Redoxy-3C để xử lý 85/122 hồ nội thành, kết quả cho thấy các hồ ô nhiễm hết toàn bộ mùi sau 24 giờ. Trong tháng 5 vừa qua, TP cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy đốt rác phát điện tại Nam Sơn, với công suất 75 tấn/ngày đêm; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định...

Tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng chỉ ra những tồn tại trong công tác này, đó là còn tình trạng lãnh đạo một số quận, huyện, đặc biệt là lãnh đạo phường, xã chưa làm hết trách nhiệm trong công tác vệ sinh môi trường, chưa quyết liệt kiểm tra, đôn đốc việc thu gom rác thải trên địa bàn. Ý thức một số công ty môi trường đô thị, đấu thầu xong rồi nhưng chưa nghiêm túc, một số nơi không công khai về đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nên người dân không thể giám sát.  Còn tình trạng vứt, xả rác bừa bãi, đổ trộm phế thải, kể cả các công ty nhận vận chuyển rác xây dựng...

Bên cạnh đó, một số địa bàn giáp ranh còn tình trạng đổ trộm phế thải, đổ trách nhiệm cho nhau; trộn lẫn rác thải xây dựng và rác thải sinh hoạt; đổ rác thải xuống ao, hồ vẫn còn hay việc đặt các thùng rác ở một số nơi chưa hợp lý…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin, hiện có 36 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi hồ sơ tham gia các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn TP. Trên cơ sở đó, TP đã xây dựng 12 tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư, như phải có năng lực tài chính, ký quỹ sau khi nộp hồ sơ tham gia thầu; có năng lực quản trị, đã đầu tư các dự án tương tự tại Việt Nam hoặc trên thế giới; công nghệ đốt, phát điện, không thải dioxin, ưu tiên công nghệ xanh, công nghệ nhiệt phân; đơn giá theo Bộ Xây dựng ban hành là 2 USD trên 1 tấn rác; tổng mức đầu tư của dự án, tạo bao nhiêu việc làm, tỷ lệ nội địa bao nhiêu... Từ các tiêu chí trên, hiện nay TP đã lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Nam Sơn trước 10/10 năm nay, giai đoạn 1 sẽ có công suất 2000 tấn/ngày đêm, giai đoạn 2 nâng lên 4 nghìn tấn.

Tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện thực hiện 10 nhóm nội dung. Trước tiên, Chủ tịch UBND các quận, huyện và phường, xã phải xác định trách nhiệm trong việc thu gom, vận chuyển rác, xử lý ô nhiễm môi trường ao hồ là nhiệm vụ thường xuyên. Các huyện còn tồn tại như Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên… thì phân luồng đưa về Nam Sơn, Sóc Sơn để xử lý, việc này phải hoàn thành trong tháng 9 và muộn nhất là 15/10 phải xử lý sạch rác tồn đọng trên địa bàn. Chủ tịch giao Sở Xây dựng thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra tại các đơn vị, bổ sung đơn giá, định mức nếu phải vận chuyển đi xa hơn.

Đối với rác thải xây dựng, hiện nay TP đang khuyến khích các doanh nghiệp nhập máy nghiền để tận dụng nguồn phế liệu tái tạo, đồng thời đã chọn 4 địa điểm để triển khai gồm quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Gia Lâm và Đông Anh. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện khi cấp phép cho các hộ dân phá dỡ thì phải trình hợp đồng vận chuyển và nơi xử lý để tránh việc đổ trộm phế thải xây dựng.

Sở Xây dựng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, lập biên bản xử lý các đơn vị vi phạm. Chủ tịch UBND TP cho biết, vừa qua TP đã họp với các công ty môi trường đô thị, yêu cầu trong 90 ngày nếu đơn vị nào chưa hoàn thành các tiêu chuẩn, tiêu chí theo yêu cầu đấu thầu, không thu gom, vận chuyển thì sẽ bị cắt hợp đồng.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Công ty thoát nước Hà Nội tiếp tục nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ Redoxy-3C để xử lý nước ao hồ và nước rỉ rác tại Xuân Sơn, Nam Sơn. Sở TT&TT và các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Công an TP đôn đốc lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các đối tượng đổ trộm phế thải xây dựng.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị đại biểu HĐND các cấp tăng cường giám sát việc thực hiện của Sở Xây dựng, các quận, huyện, phường, xã đối với công tác này. Đặc biệt mong muốn, đề nghị người dân Thủ đô nâng cao ý thức, tính tự giác trong việc chấp hành nội quy nơi công cộng, không xả rác bừa bãi, vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định để giữ gìn cảnh quan, môi trường sống luôn sạch đẹp.


Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t