Ba Vì cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân (16:40 18/07/2017)


HNP - Sáng 18/7, đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc với huyện Ba Vì về tiến độ thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc


Theo báo cáo của Huyện ủy Ba Vì, thời gian qua, nông nghiệp của huyện đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững, đảm bảo ATTP. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của huyện đạt 80% diện tích, thu hoạch đạt 50%. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất hiệu quả như rau an toàn tại các xã Chu Minh, Minh Châu, Sơn Đà; mô hình thanh long, nhãn muộn tại Phú Sơn; chè VietGAP tại Ba Trại; chăn nuôi gà đồi Cẩm Lĩnh…
 
Cùng với đó, huyện chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp. Đến 30/6/2017, toàn huyện có 115 HTX, trong đó, có 105 HTX nông nghiệp, 11 HTX phi nông nghiệp và đã có 45 HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012.
 
Trong xây dựng NTM, tính đến 30/6/2017, toàn huyện có 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, các xã khác đạt và cơ bản đạt từ 9 đến 13 tiêu chí NTM. Năm 2017 phấn đấu 3 xã hoàn thành NTM gồm: xã Phú Sơn, Thái Hòa, Ba Trại. Theo kết quả thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, 30/30 xã đã hoàn thành tiêu chí về quy hoạch; Về tiêu chí giao thông, 25 xã đạt và cơ bản đạt; tiêu chí về thủy lợi đã có 23 xã đạt và cơ bản đạt; Tiêu chí về trường học có 19 xã đạt và cơ bản đạt… Trong năm 2017, thành phố giao cho huyện có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM, nhưng qua đánh giá tình hình thực tiễn huyện đã đăng ký 3 xã, qua rà soát kết quả 6 tháng đầu năm, các xã này đều tăng thêm từ 2 đến 3 tiêu chí, tăng thêm 3 - 5 điểm, huyện phấn đấu cuối năm hoàn thành kế hoạch đề ra.
 

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Đoàn cùng Đoàn công tác thăm nhà văn hóa thôn Chằm Mè, xã Ba Trại

Trong thời gian qua, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tính từ năm 2016 đến 30/6/2017, huyện đã đầu tư khoảng 1.178 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là 948 tỷ đồng; huyện cũng huy động vốn ngoài ngân sách khoảng 15,3 tỷ đồng. 
 
Cùng với việc đầu tư xây dựng NTM, huyện cũng tích cực thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt chăn nuôi, như hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Trong năm 2016, 2017, huyện đã hỗ trợ các giống lúa mới, đưa giống chè mới giúp tăng năng suất từ 3 lên 5,5 tấn/ha/năm. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ người dân nuôi cá rô phi giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Để nâng cao chất lượng đời sống, hỗ trợ gia đình chính sách, các hộ nghèo huyện đã hỗ trợ cho hơn 43.209 người nghèo, cận nghèo, người dân các xã thuộc chương trình 135 được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. 
 
Thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, huyện đã hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số và truyền hình cáp cho 7.721 hộ nghèo, đạt 97%. Ngoài ra, để nâng nhận thức, tạo ra các sân chơi văn hóa bổ ích huyện đã đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, sân thể thao, câu lạc bộ, tủ sách thư viện… đã được đầu tư khá đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Hiện nay, huyện có 194 nhà văn hóa thôn, các nhà văn hóa còn lại ở một số xã đang được đầu tư nâng cấp hoàn thiện.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết: Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là chương trình cốt lõi, là nền móng để thực hiện các nhiệm vụ và chương trình khác. Trong thời gian qua, huyện đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM, từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao tạo ra cuộc sống ấm no cho người dân, nhiều hộ dân thoát nghèo làm giàu chính đáng.
 
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Đoàn trò chuyện với cô giáo, học sinh Trường Tiểu học Ba Trại A

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, với diện tích rộng, địa hình phức tạp gồm cả vùng đồi gò và vùng núi nên việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Phó Bí thư yêu cầu huyện Ba Vì cần lựa chọn những giải pháp để định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn theo quy hoạch, cần thiết có thể điều chỉnh quy hoạch để phù hợp và phát huy được tiềm năng về đất đai, khí hậu, con người. 
 
Huyện cũng cần phối hợp với các sở, ngành của thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy thị trường. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá lại các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phát huy lợi thế, trong đó, phát triển các dự án nông nghiệp cần gắn với các điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, từ đó, tận dụng được các giá trị văn hóa truyền thống cũng như điều kiện tự nhiên.
 
Về công tác cán bộ, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn yêu cầu huyện cần tuyên truyền cho cán bộ từ huyện tới xã, thôn cần xem nhiệm vụ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là mấu chốt, trong đó, luôn lắng nghe các ý kiến đóng góp của người dân, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Trong phát triển kinh tế, còn tiềm ẩn các nguy cơ về ô nhiễm môi trường, vì vậy, huyện cần tăng cường quản lý, hạn chế phát triển công nghiệp ồ ạt. 
 
Phó Bí thư nhấn mạnh không chỉ phát triển kinh tế trong đầu tư nông thôn mới chú trọng xây dựng văn hóa tinh thần cho nhân dân, phát triển các loại hình văn hóa, thể thao, xây dựng mô hình đường làng, ngõ xóm, xanh sạch đẹp. Đối với việc tổ chức đảm bảo an ninh nông thôn, huyện cần chú trọng công tác quản lý đất đai, tránh các vi phạm và các tranh chấp đất đai… tránh để phát sinh những khiếu nại tố cáo về đất đai.
 
* Sáng cùng ngày, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Đoàn cùng Đoàn công tác đã đến thăm Nhà văn hóa thôn Chằm Mè, xã Ba Trại, Trường tiểu học Ba Trại A và thăm một số hộ dân sản xuất chè an toàn theo hướng VietGap xã Ba Trại.
 

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn thăm mô hình chè VietGap

Theo lãnh đạo xã Ba Trại, trong thời gian qua, xã đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM, xây dựng hệ thống chính trị ở thôn trong sạch vững mạnh. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt 99,8%. Về xây dựng NTM, xã đã đạt 11/19 tiêu chí. Có 5 tiêu chí cơ bản đạt. Hiện nay, xã còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm thu nhập, hộ nghèo và số làng văn hoá. 
 
Phó Bí thư Đào Đức Toàn mong muốn xã Ba Trại cần tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng thu nhập cho người dân, trong đó phấn đấu nâng mức thu nhập theo đầu người của xã lên 39 triệu đồng/người/năm trong thời gian tới. Hỗ trợ HTX phát triển tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác, trong quá trình phát triển xã cần chú trọng công tác quản lý đất đai… đổi mới việc dạy học và chú trọng đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t