Thành phố đã tăng cường thực hiện quản lý đô thị và An toàn thực phẩm (10:52 05/07/2017)


HNP - Sáng 5/7, tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa XV, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã thay mặt lãnh đạo UBND TP báo cáo về kết quả thực hiện kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND Thành phố khóa XV.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng báo cáo tại kỳ họp


Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, có kết quả các nghị quyết của HĐND Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, thực hiện các chính sách xã hội, giải quyết những yêu cầu dân sinh bức xúc. Căn cứ kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp 3 HĐND Thành phố khóa XV, kiến nghị của các Đoàn giám sát, kiến nghị của cử tri, UBND Thành phố đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết dứt điểm và báo cáo kết quả đến các vị Đại biểu HĐND Thành phố.
 
Tại kỳ họp này, thay mặt lãnh đạo UBND Thành phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện Kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3 HĐND Thành phố, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính: Nhóm vấn đề về công tác quản lý đô thị; công tác phòng cháy và chữa cháy; Nhóm vấn đề về an toàn thực phẩm.
 
Nhóm vấn đề về công tác quản lý đô thị; công tác phòng cháy và chữa cháy 
 
Trong công tác quản lý trật tự xây dựng Thành phố đã tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm đảm trật tự và văn minh đô thị. Chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với các công trình “siêu mỏng, siêu méo” cũ và mới phát sinh ở hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn Thành phố. Xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bảo vệ kết cấu hạ tầng tuyến đường. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 2.438 trường hợp, phạt tiền hơn 2.069 triệu đồng, tạm giữ 28 phương tiện, tước giấy phép lái xe 66 trường hợp. 
 
Bên cạnh đó, chỉ đạo các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các sở: Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và sở ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng đô thị từ khi mới phát sinh; Phát huy hiệu quả mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị; Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý đô thị theo phân cấp.
 
Về công tác quản lý giao thông, UBND TP đã chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc ban hành quyết định thay thế Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 25/1/2013 của UBND Thành phố quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải khách bằng xe taxi xe khách liên tỉnh đối với các tổ chức, doanh nghiệp.
 
Thành phố cũng đã thực hiện điều chỉnh các tuyến xe khách liên tỉnh đảm bảo phù hợp với nhu cầu của người dân và định hướng quy hoạch.Cụ thể, thực hiện điều chuyển 681 nốt (giờ) của 26 tỉnh, thành phố đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên tuyến đường Vành đai 3, đảm bảo đúng định hướng Quy hoạch giao thông vận tải và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến thời điểm này đã thực hiện điều chuyển 623/681 nốt (chiếm 99%) của 24 tỉnh. 5 nốt của 05 đơn vị đã tự ý bỏ, dừng không hoạt động; Còn lại 53 nốt của tuyến Hà Nội-Ninh Bình chưa thực hiện việc điều chuyển, Thành phố đang chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
 
Về công tác phòng cháy và chữa cháy, UBND Thành phố đã chỉ đạo Cảnh sát PC&CC tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCCC đã được Luật PCCC quy định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát PC&CC Thành phố với các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã; kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình chưa được nghiệm thu về chất lượng và điều kiện PCCC; tiếp tục công khai danh sách các chủ đầu tư, công trình vi phạm đã được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu khắc phục mà không thực hiện các quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng.
 
Trong việc đảm bảo ATTP
 
UBND Thành phố đã chỉ đạo rà soát tất cả các đề án, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến việc tạo nguồn thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô đã được Thành phố phê duyệt và đang thực hiện trên địa bàn như: Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành phố; Quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng 2030; Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020; Đề án sắp xếp chợ; Đề án chăn nuôi gia súc…
 
Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất, các Đề án, Chương trình, Kế hoạch để thực hiện mục tiêu đề ra, cụ thể: Quy hoạch phát triển nông nghiệp Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2020... Bước đầu đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 157 cánh đồng mẫu lớn ở 14 huyện; 5.500ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.232 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (1.690ha)…
 
Để đảm bảo thực phẩm cung cấp trên địa bàn thành phố đảm bảo rõ nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển các vùng chuyên canh tập trung, thực hiện sản xuất công nghệ cao; chỉ đạo các sở ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn; Phê duyệt các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố; Triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP; Chỉ đạo các ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm; Thực hiện kiểm tra nhanh bằng các xe ô tô kiểm nghiệm ATTP.
 
UBND TP cũng chú trọng đến các công tác: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chợ đầu mối theo quy hoạch, làm cơ sở quản lý đầu mối tập trung đối với vệ sinh an toàn thực phẩm; Đánh giá lại mô hình tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Thành phố theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, đề xuất giải pháp tiếp tục kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm; Xây dựng giải pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh xây dựng thương hiệu, cung ứng cho thị trường Hà Nội sản phẩm an toàn, rõ xuất xứ, chất lượng, nguồn gốc; Xây dựng tiêu chí, yêu cầu đặc thù với sản phẩm nông, lâm, thủy sản đưa về Hà Nội tiêu thụ; Hoàn thiện Đề án “Kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm bằng phương pháp kiểm tra nhanh tại các chợ đầu mối nông, thủy sản trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2015 – 2020”; Đề án đầu tư, mua sắm thiết bị tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật.
 
Để đảm bảo ATTP, trong thời gian tới, UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai các giải pháp: Làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, dự báo tình hình trên địa bàn; Duy trì và tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chốt kiểm dịch liên ngành đầu mối giao thông để kiểm soát động vật, sản phẩm động vật chuyển vào Thành phố; Xử lý nghiêm đối với các vụ việc vi phạm, xử lý hình sự đối với những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các hành vi vi phạm về ATTP; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức người dân, các hộ kinh doanh, sản xuất và doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác đảm bảo chất lượng và ATTP...

Nhóm PV


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t