Phát triển xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến (16:37 20/06/2017)


HNP - Sáng 20/6, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP cùng đoàn đại biểu HĐND TP, ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa XV.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trò chuyện thân mật với cử tri Hoàn Kiếm


Tại buổi tiếp xúc, đã có 8 lượt ý kiến cử tri phát biểu phản ánh, kiến nghị liên quan tới 24 vấn đề dân sinh bức xúc gửi tới đoàn đại biểu HĐND TP. Một trong những vấn đề được cử tri Hoàn Kiếm quan tâm và phản ánh nhiều nhất đó là tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được TP triển khai gần đây. Các ý kiến đều đánh giá, việc triển khai mở rộng không gian đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận của TP để thu hút khách du lịch là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, theo cử tri Đặng Văn Hường (phường Hàng Mã), việc triển khai phố đi bộ vào thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật như hiện nay chỉ hợp lý vào mùa Đông, còn mùa Hè khi thời tiết nắng nóng gay gắt thì rất ít khách du lịch và người đi bộ. Cử tri Hường đề nghị TP xem xét, nghiên cứu lại khung giờ tổ chức phố đi bộ vào ban ngày khi thời tiết nắng nóng, vì nếu để như hiện nay rất khó khăn cho người tham gia giao thông trong khi người đi bộ lại không có.
 
Cử tri Nguyễn Văn Hòa (phường Hàng Bồ) đề nghị UBND TP cần đánh giá khách quan, nghiêm túc về hiệu quả, những mặt được, chưa được của không gian tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Cử tri Hòa nhận xét, việc triển khai không gian đi bộ xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận mới chỉ dừng lại ở đường thông hè thoáng, không có phương tiện giao thông đi lại, thuận lợi cho người đi bộ dạo mát, tập thể dục. Một số tổ chức, cá nhân có hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, hàng lưu niệm... nhưng còn đơn giản, không mang tính nghệ thuật cao; chưa tổ chức được các hoạt động mang tính quảng bá đặc trưng cho Thủ đô Hà Nội; chưa trở thành điểm nhấn mạng mẽ, tác động tích cực thu hút khách du lịch; còn lãng phí về nhân lực, cơ sở vật chất khi thời tiết khắc nghiệt và vào nửa đêm đến sáng hầu như không có người qua lại....
 
Liên quan đến phòng chống tiêu cực, tham nhũng, theo cử tri quận Hoàn Kiếm, Trung ương đã thông báo 1000 cán bộ do Trung ương quản lý phải kê khai tài sản cá nhân; vì vậy, Thành ủy và UBND TP cũng phải rà soát, lên danh sách, thông báo số cán bộ do Thành ủy, UBND TP quản lý cần kê khai tài sản cá nhân. Việc kê khai tài sản cá nhân không dừng lại hình thức mà phải đi sâu vào bản chất, phải để quần chúng nhân dân biết để giám sát, phản biện, kiến nghị, bổ sung, không chỉ đơn thuần kê khai tài sản chỉ mang tên cán bộ, phải kê khai tài sản liên quan nhưng đứng tên người khác để ngụy trang cho hành vi tiêu cực, tham nhũng. Cử tri cũng cho rằng, cần lập một ban công tác đặc biệt, độc lập, có đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện thuận lợi tốt nhất để thanh tra, xác minh, kết luận, đề xuất xử lý đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Cần duy trì hình phạt tử hình hoặc tù chung thân vĩnh viễn đối với tội phạm tham nhũng, kê biên, tịch thu toàn bộ tài sản, vĩnh viễn không cho đảm nhiệm các chức vụ; chủ động phát hiện sớm các hành vi tiêu cực tham nhũng để xử lý kịp thời, không nên đến khi về hưu mới phát hiện, xử lý...
 
Liên quan đến giáo dục, cử tri cho rằng không nên xóa bỏ biên chế đối với giáo viên trong các trường học. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu nghiêm túc chủ trương này vì nó tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm, trách nhiệm, hiệu quả của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp "trồng người". Nên xác định số lượng biên chế, hợp đồng đối với từng bộ phận, từng lĩnh vực làm việc tại từng cấp học; không có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng giữa giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng; đối với các trường hợp vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn cần có chế độ ưu tiên đặc biệt để động viên, khuyến khích  giáo viên tâm huyết với nghề, với học sinh...
 
Về mở rộng vành đai giao thông đô thị liên quan đến 1.300 cây xanh, cử tri thông cảm, chia sẻ với TP những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhưng cũng đề nghị TP cần cẩn trọng, rà soát để có phương án tối ưu nhất. Lãnh đạo TP phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để cấp dưới lợi dụng làm bừa, làm ẩu; đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ tài chính, ngân sách đầu vào, đầu ra, không để lãng phí giống như tình trạng cắt cỏ, tỉa cành như những năm trước. Cử tri cho rằng, nên thành lập và giao trách nhiệm cho một số DN có đủ điều kiện trồng ươm cây giống theo qui định để cung cấp đủ cho TP trước mắt cũng như lâu dài; trồng cây xanh trong địa bàn TP cần đảm bảo mỹ quan đô thị, khỏe mạnh, bền vững, an toàn và tỏa bóng mát rộng; không nên lặp đi lặp lại việc phát triển đô thị lại phải chặt phá hàng nghìn cây xanh có tuổi đời cao, giá trị sử dụng tốt...
 
Bên cạnh đó, cử tri Hoàn Kiếm cũng đề cập đến một số vấn đề như: các dự án BĐS được phê duyệt trước khi sáp nhập trên địa bàn huyện Mê Linh hiện nay vẫn bỏ không gây lãng phí; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội theo Nghị quyết 09 của Thành ủy còn triển khai chậm; đề nghị thành lập tổ công tác xử phạt tại chỗ các hành vi gây mất vệ sinh môi trường xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm; kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh ATTP; quy hoạch các bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm...
 
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn của cử tri Hoàn Kiếm và những kiến nghị này sẽ được tổng hợp báo cáo HĐND TP trong kỳ họp sắp tới. Trên cương vị người đứng đầu chính quyền TP, Chủ tịch cho biết sẽ đôn đốc giải quyết những kiến nghị của cử tri và với tư cách là đại biểu HĐND TP, Chủ tịch sẽ giám sát để kiến nghị được giải quyết nghiêm túc. 
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã trao đổi thẳng thắn và trả lời một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Thành phố. Liên quan đến kiến nghị của cử tri Đặng Văn Hường, cử tri Hàng Mã và một số cử tri về không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, sắp tới, thành phố Hà Nội sẽ sơ kết việc triển khai Đề án và ý kiến của cử tri là rất quan trọng để thành phố xem xét quyết định những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án trong thời gian tới.
 
Theo Chủ tịch, sau thời gian thí điểm, đánh giá chung cho thấy đại bộ phận người dân, khách quốc tế ủng hộ Đề án không gian đi bộ này. Để có không gian văn hóa cho Hồ Hoàn Kiếm, quan điểm của Thành phố kiên quyết không biến không gian này thành địa điểm phục vụ thương mại kinh doanh, chỉ chú trọng quảng bá văn hóa, du lịch,... Tại đây, không gian phố đi bộ sẽ là nơi có không gian yên tĩnh, chỉ phục vụ đời sống tinh thần của người dân, đáp ứng nhu cầu thuận lợi cho khách du lịch như phủ sóng wifi, xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ người dân và du khách.
 
Về kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề 1.300 cây xanh, Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ Thành phố đã đề ra 3 khâu đột phá, trong đó, có xây dựng hạ tầng giao thông với nhiều dự án trọng điểm. Chủ tịch cho biết, quan điểm của thành phố về vấn đề này là phải đảm bảo yếu tố kinh tế, tránh lãng phí. Cây xanh phải đáp ứng yêu cầu cắt tỉa thường xuyên, phải khống chế được tốc độ sinh trưởng đúng tiêu chuẩn, tránh tình trạng để mọc tự nhiên hoặc không đảm bảo mỹ quan, ảnh hưởng đến nhà dân, che chắn tầm nhìn của các phương tiện... Chủ tịch hoàn toàn đồng ý với ý kiến của cử tri, đồng thời, cho biết sẽ khảo sát kỹ lưỡng, chọn lọc những cây có thể giữ, trồng lại, sẽ đánh chuyển, chăm sóc và trồng lại ở nơi thích hợp. Chủ tịch cũng nhấn mạnh, vấn đề cây xanh sẽ được xem xét tiến hành khẩn trương để đảm bảo tiến độ dự án, giúp Bộ GTVT có thể triển khai trong tháng 7 tới. Những thông tin về triển khai thực hiện nhiệm vụ này sẽ được công khai tới người dân, cam kết hạn chế thiệt hại, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế và các vấn đề khác.
 
Về vấn đề môi trường, Chủ tịch cho biết, đến nay, TP đã hoàn thành 10 trạm quan trắc không khí và sẽ tiếp tục hoàn thành để có 100 trạm quan trắc. Cùng với việc triển khai trạm quan trắc nước, TP cũng trang bị thêm các xe hút rác và bụi, giảm dần bụi bẩn, xiết chặt quản lý xe chở vật liệu xây dựng, phá dỡ công trình. Bên cạnh đó, cũng sẽ trang bị thêm các máy nghiền với vật liệu xây dựng để tái chế; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường.
 
Đối với kiến nghị về ATTP, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung mong mọi người dân đều có ý thức nói không với thực phẩm bẩn và không rõ nguồn gốc và TP luôn coi đây là vấn đề vô cùng quan trọng cần quan tâm. Thời gian tới, TP sẽ tập trung sắp xếp lại các chợ cóc, triển khai mạnh mẽ các dự án lò mổ gia súc gia cầm an toàn, giải quyết vấn đề đầu tư để triển khai thực hiện quy hoạch chợ đầu mối.
 
Nhiều vấn đề khác như dự án trên địa bàn huyện Mê Linh, vấn đề cấp giấy chứng nhận và quyền sử dụng đất, nhà chung cư, vấn đề quản lý biệt thự,... hạ ngầm cáp, hạn chế phương tiện cá nhân, sửa nhà cho các đối tượng chính sách, vấn đề về các mục tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố cũng đã được Chủ tịch trao đổi thẳng thắn. Về kiến nghị sửa nhà cho gia đình chính sách trên địa bàn quận, Chủ tịch cho biết, TP đã thống kê có 7.298 căn nhà phải xây mới, sửa chữa và đến nay đã xong 97%. Vừa qua, danh sách này đã có bổ sung và tiếp tục sửa chữa do rà soát thiếu. TP sẽ đôn đốc Sở LĐTB&XH phải phấn đấu hoàn thành trước 27/7.
 
Nhân dịp này, Chủ tịch đề nghị quận Hoàn Kiếm xem xét để hoàn thành sửa chữa nhà cho trường hợp ông Dũng, gia đình có nạn nhân chất độc da cam xong trước 27/7 đúng chủ trương và tinh thần chỉ đạo của TP.
 
Chủ tịch khẳng định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, cũng như làm cho diện mạo của Hà Nội phát triển xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến, đây là hai mục tiêu quan trọng của TP, làm cơ sở để xem xét xử lý mọi vấn đề trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t