Mở rộng dân chủ để phát huy tiềm năng, nguồn lực trong dân (15:26 30/05/2017)


HNP - Sáng 30/5, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP Hà Nội đã dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc với Huyện ủy Đan Phượng và Đảng ủy các xã Đan Phượng, Thọ An, Phương Đình về kết quả xây dựng và thực hiện QCDC trên địa bàn.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình: Nhà có số, đường có hoa, thôn Ích Vịnh, xã Phương Đình


Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng Lê Văn Thìn, trong những năm qua, việc thực hiện và triển khai QCDC trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo. Tại các xã, thị trấn, thực hiện QCDC đã tập trung vào việc công khai những nội dung nhân dân được biết, những nội dung nhân dân bàn và những nội dung nhân dân tham gia ý kiến, giám sát… theo Pháp lệnh 34. Cùng với đó, các xã đã tập trung cải cách hành chính, phát huy hiệu quả bộ phận “một cửa”, hiệu quả hoạt động các tổ dân vận… nhờ đó tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, nhân dân tích cực tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
 
Đặc biệt, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”, trong những năm qua, huyện Đan Phượng đã huy động được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Đan Phượng sớm hoàn thành và là huyện nông thôn mới đầu tiên của Thành phố. Bên cạnh đó, hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn huyện cũng rất hiệu quả, thông qua đó, kiến nghị thu hồi 242m2 đất công và kiến nghị chủ đầu tư khắc phục đối với 14 dự án vi phạm…
 
Theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng, huyện nhận thức rằng thực hiện và phát huy rộng rãi dân chủ chính là để xây dựng khối đại đoàn kết, là chìa khóa để mỗi địa phương hoàn thành các nhiệm vụ. Huyện đã thực hiện dân chủ trên 4 trụ cột, trước hết là dân chủ từ xây dựng chủ trương, đường lối; dân chủ trong quản lý, phân bổ nguồn lực; trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ và quan trọng hơn là phải dân chủ trong công tác cán bộ.
 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, về giám sát tại Đan Phượng, đoàn công tác cảm nhận được một không khí bình yên, phấn khởi, đó chính là kết quả của cả quá trình địa phương thực hiện QCDC cũng như thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận buổi làm việc
 
“Từ huyện đến các xã, các thôn, cả hệ thống chính trị huyện đã chung một nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện QCDC ở cơ sở, đem lại kết quả khá đồng bộ và toàn diện. Huyện đã ban hành hệ thống quy chế, quy ước thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn. Hằng năm, các xã, thị trấn đều tổ chức các hội nghị đại biểu nhân dân để bàn, quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, trong đó tập trung vào những nội dung thiết thực như xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Đặc biệt, mặc dù là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng Đan Phượng không dừng lại, mà tiếp tục phát huy, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 rất dễ nhớ, dễ hiểu như nhà có số, đường có hoa, sản xuất phát triển, cán bộ nâng tầm…”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận.
 
Cùng với đó, huyện đã quan tâm, phát huy tốt vai trò của các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời, qua đó không để những kiến nghị, bức xúc của nhân dân phát sinh thành điểm nóng. Huyện cũng chủ động xây dựng, thực hiện QCDC trong các loại hình mới, do đó đã hoàn thành GPMB nhiều dự án nhưng không phát sinh khiếu kiện; phát huy dân chủ trong thu thuế, trong các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp có chiều sâu, tạo điều kiện để bà con liên kết, mở rộng sản xuất.
 
Nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện và các xã tiếp tục xác định thực hiện QCDC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, triển khai của chính quyền và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong quán triệt Chỉ thị 30-CT/TW, Kết luận 120-KL/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 04-CT/TU của Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC trên địa bàn. Gắn thực hiện QCDC với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; với thực hiện năm Kỷ cương hành chính và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
 
Đặc biệt, huyện cần chỉ đạo các xã, các thôn rà soát lại quy chế, quy ước để bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng theo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Quan tâm thực hiện tốt QCDC trong trường học, trong các loại hình mới. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở, để kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt cũng như chấn chỉnh những đơn vị làm chưa tốt, gợi mở và tạo động lực để các đơn vị tiếp tục thực hiện, phát huy rộng rãi QCDC để tạo thành một việc làm bền vững, thường xuyên, từ đó huy động được nguồn lực, sự tham gia của nhân dân đối với sự phát triển của quê hương.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện. “Huyện nên phấn đấu đi đầu trong việc tiếp xúc, đối thoại, phát huy quyền làm chủ của người dân, là điểm sáng trong thực hiện QCDC ở cơ sở của Thành phố”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng mong muốn.

Trọng Toàn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t