Công bố báo cáo đánh giá chỉ số mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (14:11 14/03/2017)


HNP - Sáng 14/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ và Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương công bố báo cáo đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Toàn cảnh hội nghị


Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Tại điểm cầu Hà Nội tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của TP.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, năm 2015, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần đầu triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trên phạm vi cả nước và công bố kết quả vào ngày 26/4/2016. Bên cạnh việc triển khai của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương. Tính đến tháng 12/2016, theo thống kê ban đầu của Bộ Nội vụ đã có 04 bộ, ngành và 32 tỉnh, thành phố triển khai và công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, có 6 TTHC được chọn để triển khai SIPAS 2015, gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực. Đây là các thủ tục liên quan mật thiết tới đời sống nhân dân, tổ chức, được xã hội quan tâm.
 
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức với cơ quan hành chính Nhà nước năm 2015 bước đầu phản ánh được thực trạng và chất lượng giải quyết các TTHC của các cơ quan hành chính Nhà nước. Mong đợi của người dân, tổ chức đối với đối với việc giải quyết TTHC, phục vụ nhân dân trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, chương trình cải cách hành chính tổng thể đất nước giai đoạn 2011-2020 đặt ra yêu cầu lớn, đó là năm 2020 có 80% người dân hài lòng về sự phục vụ bộ máy chính quyền các cấp. Nếu chúng ta không triển khai từ bây giờ việc đo lường, đánh giá sự hài lòng của người dân thì đến năm 2020 không thể trả lời được bao nhiêu phần trăm người dân hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, người dân là người bầu ra hệ thống chính quyền các cấp, là người có quyền được hưởng những dịch vụ mà hệ thống chính quyền cung cấp theo Hiến pháp, luật pháp cam kết đem lại cho người dân, cũng là người  thực hiện giám sát cơ quan Nhà nước. Với tinh thần, Chính phủ từ nhiệm kỳ 2011-2015 đến nay luôn khẳng định coi sự hài lòng người dân đối với sự phục vụ của cơ quan chính quyền các cấp là thước đo quan trọng đối với cải cách hành chính đối với cơ quan Nhà nước, các tổ chức địa phương và Trung ương.
 
Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Năm 2014, TP Hà Nội khảo sát với 6 thủ tục, kết quả cho thấy tỷ lệ hài lòng cao nhất là cấp chứng minh nhân dân, với 91,33%; giấy khai sinh đạt 87,09%; đăng ký kết hôn đạt 84,7%... và thấp nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 71,16%. Tiếp đó, năm 2015, Hà Nội khảo sát với thủ tục cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh và cấp chứng chỉ quy hoạch, cho kết quả chung đạt 77,54% hài lòng. Còn năm 2016, qua khảo sát với 4 nhóm dịch vụ lao động việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công, đều cho kết quả hầu hết hài lòng. Năm 2017, từ đầu năm, thành phố đã ban hành Đề án xác định phạm vi khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức tại 22 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã ít nhất một lần/năm và khuyến khích thực hiện nhiều lần trong năm.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội ngh

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, vẫn còn một số khó khăn đặt ra đó nhận thức và yêu cầu của người dân tại mỗi địa phương khác nhau, phụ thuộc vào mức độ dân trí, yêu cầu của người dân, dẫn đến yêu cầu đánh giá về sự hài lòng là khác nhau. Việc tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức chưa được thực hiện đồng bộ hàng năm, chưa có sự kế thừa và so sánh; nhiều cơ quan cùng tiến hành khảo sát nên thiếu sự thống nhất; một số cơ quan vừa thực hiện giải quyết các TTHC cho người dân và tổ chức lại vừa thực hiện khảo sát mức độ hài lòng nên thiếu tính độc lập, khách quan. Bên cạnh đó, Bộ khung tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá mức độ hài lòng cá nhân, tổ chức do Bộ Nội vụ ban hành, cần được chi tiết hóa để phù hợp với đặc thù của Thủ đô, với tình hình thực tiên công tác CCHC của Thành phố. Cụ thể trong quá trình triển khai, UBND TP đã bổ sung thêm các tiêu chí thành phần như: Điều kiện cơ sở vật chất tiếp đón và phục vụ; việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và xử lý thông tin phản hồi; sáng kiến, đề xuất kiến nghị cụ thể để tăng mức độ hài lòng.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, điều tra, khảo sát để xác định sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước không chỉ thuần túy chỉ là điều tra xã hội học (ĐTXHH) mà là vừa khảo sát, thống kê kết hợp với ĐTXHH. Tuy nhiên vì hạn chế về nguồn lực và thời gian, cho nên xét về tổng thể vẫn nên duy trì phương pháp ĐTXHH hiện nay đang triển khai. Trong thời gian tới, khi chính quyền điện tử của các địa phương đã tương đối phát triển thì có thể khảo sát, ĐTXHH trên môi trường mạng internet để tiết kiệm kinh phí. 

Huy Kiên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t