Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 (06:18 06/01/2017)


HNP - Ngày 1/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và các nhiệm vụ đã được đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các doanh nghiệp với chủ đề năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính, ngân sách nhà nước.


Các địa phương chủ động sử dụng  dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh… và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Chủ động bố trí nguồn để trả đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ đến hạn theo quy định; Chủ động cắt giảm, điều chỉnh nhiệm vụ chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước khi không hoàn thành dự toán thu ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh. Theo đó, tiếp tục rà soát và triển khai đồng bộ các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các bộ, ngành trung ương và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Phấn đấu đạt được mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN-4.


Xây dựng các giải pháp, chính sách thu hút mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước và công nghiệp phụ trợ; Xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình triển khai việc áp dụng CNTT, internet, ứng dụng số hóa trong các ngành, lĩnh vực; xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh… tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm thuộc ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm trong nước; Các địa phương đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu và có giải pháp cụ thể để cải thiện từng chỉ số trong Bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải cách hành chính (PAPI).

Thứ ba, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó, tập trung xây dựng và thực hiện cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công và các đơn vị sự nghiệp công lập; Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của  nền kinh tế. Đồng thời, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, trong đó, tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ năm, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội.

Thứ sáu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Thứ bảy, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ tám, tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Thứ chín, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Thứ mười, tăng cường công tác thông tin truyền thông, trong đó, các bộ, ngành trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách, sự lanh đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền về những sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế, những cam kết hội nhập quốc tế;thông tin, tuyên truyền về bảo vệ biên giới, biển đảo theo đúng luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. Đấu tranh, phản bác kịp thời đối với những thông tin sai trái. Chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, tạo đồng thuận cao trong xã hội.


Hoàng Mai


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t