Huyện Thanh Trì: Đổi mới để tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục và đào tạo (15:48 23/05/2023)


HNP - Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục và đào tạo, từ nhiều năm qua, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huyện Thanh Trì luôn quan tâm tới giáo dục và đào tạo, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện.  

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Lê Tiến Nhật khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW


Thanh Trì là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử văn hoá, cách mạng và hiếu học, là nơi sinh ra nhiều danh nhân văn hóa. Hiện nay, toàn huyện có 86 trường (gồm 74 trường công lập, trong đó 01 trường chuyên biệt; 12 trường tư thục) và 125 nhóm, mầm non độc lập tư thục với 71.608 học sinh và 5.083 cán bộ, giáo viên, nhân viên.
 
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo 
 
Trong những năm qua, việc đổi mới công tác kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập được ngành giáo dục huyện triển khai thực hiện tốt. Theo đó, đã đánh giá người học ngay trong quá trình học, theo dõi kết quả từng giai đoạn nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ở các cấp học và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. 
 
Kết quả giáo dục phổ thông của các nhà trường 10 năm qua đã có nhiều khởi sắc, chất lượng giáo dục học sinh ngày càng được nâng cao, kết quả năm sau cao hơn năm trước. Số học sinh đạt giải Quốc tế, Quốc gia tăng cao hơn giai đoạn trước (07 giải quốc tế, 92 giải Quốc gia, 1.949 giải cấp Thành phố); tỉ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS luôn đạt từ 98 - 100%, tỉ lệ học sinh đỗ vào THPT xếp vào huyện có thành tích tốt, cao hơn mặt bằng của Thành phố. Công tác giáo dục dạy nghề đã đảm bảo 100% học sinh được tham gia học và 98 - 100% học sinh thi đạt chứng chỉ nghề THCS.
 
Trong 10 năm qua, công tác kiểm định chất lượng của ngành luôn được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả tích cực đến các hoạt động giáo dục của các nhà trường. Số trường đạt chuẩn quốc gia 64/73 trường (tỷ lệ 87,67%), trong đó, có 17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
 
Việc đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân theo khung trình độ đảm bảo tính hệ thống phù hợp với từng đối tượng học sinh và yêu cầu mới của xã hội. Ngoài hệ thống giáo dục ban đầu được tổ chức theo các cấp học, bậc học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT… hệ thống giáo dục huyện còn có mô hình tổ chức linh hoạt, chương trình nội dung phổ biến kiến thức theo nhu cầu của người học như: Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề, Trung tâm học tập cộng đồng xã, thị trấn, lớp học khu dân cư, các câu lạc bộ... Trong 10 năm qua, hệ thống nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo độc lập tư thục tăng nhanh (ngoài công lập). Hiện nay, toàn huyện có 12 trường tư thục và 125 nhóm, lớp tư thục (tăng 4 trường tư thục và 91 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục so với năm 2013).
 
Đổi mới chính sách, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo
 
Để phục vụ công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị có trọng tâm, trọng điểm, trung bình hằng năm, huyện Thanh Trì đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho việc mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại và tối thiểu cho các nhà trường. Mỗi năm học, nhiều nhà trường còn thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nhằm tiếp nhận sự ủng hộ và đóng góp tự nguyện của các nhà hảo tâm, các cá nhân và cha mẹ học sinh, để bổ sung trang thiết bị cho các phòng học cũng như xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm của nhà trường ngày càng khang trang hơn. Các tổ chức xã hội, cá nhân trên địa bàn đã hỗ trợ trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng vở, sách giáo khoa cho một số đơn vị trường học; học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi… 
 
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá cho các nhà trường luôn được quan tâm, coi trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho công tác giảng dạy và học tập. Năm 2016, huyện đã đầu tư 60,678 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo sửa chữa 17 trường. Năm 2017, huyện đầu tư xây mới 03 trường, cải tạo nâng cấp 02 trường, cải tạo, sửa chữa 15 trường, xây mới 01 bể dạy bơi và đầu tư trang thiết bị đồ chơi, đồ dùng dạy học với tổng kinh phí 286,187 tỷ đồng. Năm 2018, huyện đầu tư xây mới 04 trường, cải tạo nâng cấp 04 trường, cải tạo sửa chữa 01 trường với tổng kinh phí 220,435 tỷ đồng. Tổng kinh phí đầu tư xây mới và cải tạo cơ sở vật chất trường học từ năm 2019 đến tháng hết năm 2022 hơn 1.605 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư bổ sung trang thiết bị dạy học từ năm 2019 đến năm 2022 là 62,594 tỷ đồng. Đầu tư mua sắm trang thiết bị tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hơn 63 tỷ đồng. Hiện nay, toàn huyện 100% các trường học được đầu tư đồng bộ, kiên cố, hiện đại đáp ứng theo các tiêu chuẩn quy chuẩn hiện hành và các tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn quốc gia, hiện có 64/73 trường học đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỷ lệ 87,67%). 
 
Để tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng và hiếu học của quê hương Thanh Trì; đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa, góp phần đưa ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Trì tiếp tục là điểm sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả những nội dung cơ bản của Nghị quyết 29-NQ/TW gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các Chương trình công tác trọng tâm của các cấp ủy, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
 
Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn Ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trường học. Đối với công tác giảng dạy, cần quan tâm phương pháp kiểm tra, đánh giá với tinh thần “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, quản trị các nhà trường; quản lý, chỉ đạo, điều hành bám sát thực tiễn hoạt động giáo dục. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được giao đảm bảo theo đúng quy định.

Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t