Hai Bà Trưng: Chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm (14:47 28/03/2023)


HNP - Triển khai phong trào thi đua “An toàn thực phẩm”, giai đoạn 2021-2025, quận Hai Bà Trưng đã có nhiều sáng tạo trong cách làm từ đổi mới công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai phong trào thi đua; có nhiều giải pháp tổ chức thực hiện và nhân rộng các mô hình điểm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Đoàn liên ngành kiểm tra số 1 thành phố Hà Nội kiểm tra bếp ăn tập thể trường Tiểu học Lê Văn Tám


Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, quận Hai Bà Trưng đã tranh thủ sự phối hợp của các Sở, ngành chức năng, hiện tốt công tác phối hợp kiểm tra đột xuất, phát sinh. Cụ thể, triển khai tuyến phố An toàn thực phẩm (ATTP) có kiểm soát tại phố Bà Triệu, phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành theo kế hoạch của Sở Y tế; Triển khai kế hoạch về lưu chuyển, tiêu thụ, hướng dẫn sử dụng; ký cam kết sử dụng rau, củ, quả và thực phẩm an toàn. Đồng thời, tăng cường kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y tại các hộ kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; các nhà hàng, quán ăn có sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm để chế biến thực phẩm.

Thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, quận Hai Bà Trưng, Hội LHPN Thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức An toàn thực phẩm” với sự tham gia của 6 đơn vị: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên, Hoàng Mai. Kết quả, Đội của Hội LHPN quận Hai Bà Trưng giành giải Nhất.

Trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục ATTP, các cấp, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện lồng ghép công tác ATTP cho hội viên, cán bộ, học sinh, sinh viên và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Quận đã tổ chức 4 Hội nghị trực tiếp và trực tuyến về ATTP đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các phường trong đợt cao điểm về ATTP như dịp Lễ, Tết, Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, hội nghị triển khai kế hoạch…với hơn 800 người dự. Đáng chú ý, đã tổ chức các buổi truyền thông hướng dẫn đảm bảo ATTP trong cộng đồng như: Ủy ban MTTQ quận đã tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền đảm bảo về ATTP cho 100 cán bộ mặt trận phường, Ban công tác mặt trận ở Tổ dân phố tại các phường…Hội Phụ nữ tổ chức các hoạt động thực hiện chương trình phối hợp về “Tuyên truyền, vận động, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững” giai đoạn 2022-2025 đến 100% Hội cơ sở. Tổ chức 23 buổi tuyên truyền kiến thức nhằm thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm với sự tham dự của 1.840 hội viên. Trung tâm y tế tổ chức 8 buổi phổ biến kiến thức về ATTP cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, người kinh doanh tại tuyến phố ATTP có kiểm soát…cho 1.090 người. Công khai danh sách các cơ sở vi phạm tại Cổng thông tin điện tử quận và Trang thông tin điện tử của phường để nhân dân được biết.

Quận đã chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ quản lý như UBND quận và phường tổ chức 27 lớp tập huấn về công tác ATTP cho 2.083 lượt người; Phối hợp Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội tổ chức 3 lớp tập huấn cho chủ sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn phường Thanh Nhàn, Phạm Đình Hổ, Vĩnh Tuy, Bạch Đằng, Thanh Lương với 340 người tham gia; tổ chức 19 lớp tập huấn cấp quận, phường cho 201 cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học, cơ sở giáo dục về đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể với 1.500 người tham dự.

Đáng chú ý, quận đã đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình, đề án và cách làm hiệu quả về ATTP trên địa bàn, như: Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ, giai đoạn 2022-2025” với 7 chợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án. Quận đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chợ Hôm - Đức Viên, chợ Đồng Tâm. Đầu tháng 10/2022, quận đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội khai trương điểm bán hàng OCOP tại 180 Lạc Trung để góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi những sản phẩm ưu thế của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.


Bên cạnh đó, mô hình thực phẩm an toàn “Chi hội ăn sạch - sống xanh” tại 32 chi hội được duy trì tốt. Các chi hội đã vận động được hơn 1.000 gia đình hội viên mua thịt lợn mát đảm bảo an toàn thực phẩm tại các đại lý thịt lợn sạch. Đặc biệt, đã duy trì mô hình tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ATTP có kiểm soát tại tuyến phố Bà Triệu, phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành.

Trong năm 2022, có 95/95 cơ sở được cấp Giấy xác nhận cam kết đảm bảo ATTP. Đầu tháng 10/2022, quận đã rà soát lập danh sách các cơ sở được cấp biển nhận diện và tiến hành cấp biển nhận diện năm 2022 cho 95 cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn, đạt 100% cơ sở được cấp biển nhận diện; cấp 361 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Lũy tích đến nay, đã cấp được 835/853, đạt tỷ lệ 98%. Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã thanh, kiểm tra, giám sát 2.967 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt hơn 1,344 tỷ đồng/291 cơ sở, hủy khoảng 3 tấn thực phẩm các loại không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị hàng hóa hơn 348 triệu đồng.

Với những thành tích nổi bật trong công tác đảm bảo ATTP, năm 2022, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng đã khen thưởng 11 tập thể, 15 cá nhân. Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận được UBND Thành phố tặng Bằng khen.

Thời gian tới, quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP.  Song song với đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP, công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin... qua đó, nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, trong Tháng hành động năm 2023, quận sẽ triển khai nhiều hoạt động làm điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm về ATTP; Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.


Vương Vân


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t