“Chui kiệu” - Nét độc đáo trong lễ rước kiệu Thánh Đền Và (21:31 05/02/2023)


HNP - Ngày 5/2, lễ rước long ngai bài vị Tam Đức Thánh Tản (Thị xã Sơn Tây) sang đền Ngự Dội (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) - nghi lễ quan trọng nhất trong kỳ chính hội Đền Và đã diễn ra, thu hút hàng ngàn người tham dự. 

Đông đảo người dân, du khách tham dự lễ rước kiệu Thánh Đền Và


Theo phong tục cổ truyền, lễ hội Đền Và được tổ chức Xuân Thu nhị kỳ, vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu thì mở hội chính. Vào dịp này, nhân dân ở một số làng, và 7 tổ dân phố thuộc các phường: Phú Thịnh, Viên Sơn và Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) và thôn Duy Bình (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) lại họp bàn cùng nhau để tổ chức lễ rước. Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng, sang đền Ngự Dội thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc (để tế lễ, diễn lại sự tích Thánh Tản Viên đã từng đến nơi đây), rồi quay trở lại Đền Và.
 
Kiệu Thánh đi qua các khu phố của thị xã Sơn Tây
 
Lễ rước bắt đầu từ 5 giờ sáng. Đoàn rước gồm 3 cỗ kiệu chính và những kiệu lễ của các thôn làng, đội múa rồng cùng các đội bát bửu, lộ bộ, đội nhạc, đội tế, đội dâng hương… Hình thức rước phản ánh tục “cầu nước” và múa rồng là biểu trưng cho sự vận động của bầu trời, mong cho mưa thuận, gió hòa. Trên đường đi, các đình, đền, chùa và nhân dân hai bên đường bày hương án, dâng hương hoa, lễ vật để tri ân Đức Thánh. Đến mỗi ngã tư lớn, các kiệu chính lần lượt được quay ba vòng rồi tung lên cao ba lần trong tiếng reo hò của người dân và du khách, mang đến cảm xúc rạo rực, phấn chấn tạo nên những âm hưởng hào hứng của lễ hội.
 
Đặc biệt, tục "chui kiệu" là một nét độc đáo trong lễ rước Thánh Tản Viên trong lễ hội Đền Và. Theo đó, nhiều người dân, nhất là những trẻ biếng ăn, chậm lớn, người già yếu, bệnh tật thì chui ngang qua gầm kiệu để cầu Thánh ban cho sức khoẻ.
 
Kiệu được tung lên cao trong tiếng reo hò của du khách
 
Lễ hội ở Đền Và có tính giáo dục truyền thống, thể hiện tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn, khơi dậy niềm tự hào của dân tộc, có sức lan tỏa và ý nghĩa nhân văn to lớn, sâu sắc. Đó không chỉ là tưởng nhớ đến công lao với dân với nước của Đức Thánh Tản mà còn thể hiện lòng ước nguyện của hàng triệu người dân ở trong và ngoài nước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước phát triển, xã hội cường thịnh. 
 
Đoàn rước đi qua không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây
 
Năm 2016, lễ hội Đền Và với các nghi thức tâm linh mà trung tâm là lễ rước Tam vị Thánh Tản qua sông đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, lễ hội Đền Và vẫn giữ gìn và phát huy được các tập tục cổ truyền, những quan hệ cộng đồng làng xã thấu tình đẹp nghĩa, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của người xưa để lại cho thế hệ con cháu ngày nay. Những giá trị to lớn của lễ hội vẫn đang được chính quyền và Nhân dân thị xã Sơn Tây chung tay gìn giữ cho muôn đời.

Trần Hương


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t