Đông Anh tích cực triển khai đầu tư công để trở thành đơn vị hành chính cấp quận năm 2023 (15:45 25/01/2023)


HNP - Ngay từ đầu năm mới 2023, huyện Đông Anh (thành phố Hà Nội) đã tiếp tục tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để trở thành đơn vị hành chính cấp đô thị (cấp quận).  

Đông Anh đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại


Giải ngân năm 2022 đạt 100% kế hoạch vốn giao
 
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, trên cơ sở kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 được duyệt, huyện đã tập trung chỉ đạo đảm bảo quyết liệt, linh hoạt, sắp xếp thứ tự ưu tiên để tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo đáp ứng với quá trình phát triển của huyện thành quận, đồng thời, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, với quan điểm không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.
 
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã chuẩn bị đầu tư 906 dự án (cấp huyện 272 dự án, cấp xã 634 dự án). Năm 2022 các xã, thị trấn được giao nhiệm vụ bổ sung 157 dự án thực hiện chuẩn bị đầu tư từ nguồn vốn giải ngân linh hoạt. Đáng chú ý, cũng trong năm này, huyện thực hiện đầu tư được 266 dự án, trong đó, 38 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (gồm 33 dự án cấp huyện và 5 dự án cấp xã).
 
“Với sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu năm, nên trong năm 2022, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, ước giải ngân năm đạt 100% kế hoạch vốn giao và 100% theo dự kiến tập hợp nguồn thu” - Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho hay.
 
Xã Đông Hội, huyện Đông Anh quyết tâm xây dựng xã thành phường, trong giai đoạn 2021 - 2025

Cũng theo đại diện lãnh đạo huyện Đông Anh, để thực hiện hiệu quả công tác đầu tư công, huyện xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đất đai luôn được đặc biệt chú trọng, phải đi trước; cùng với đó là công tác giải phóng mặt bằng cũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt trong các khâu triển khai.
 
Cụ thể, tiếp nhận công bố, bàn giao 5 đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000; Tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 4 xã (Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm) tỷ lệ 1/5000; Hoàn thành phê duyệt 3 đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Bên cạnh đó, huyện cũng hoàn thành công tác lập, thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 48 đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư, nâng tổng số đồ án quy hoạch khu dân cư được phê duyệt lên 59 đồ án được giao nhiệm vụ.
 
Trong năm 2022, căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất của huyện được UBND Thành phố phê duyệt, huyện đã triển khai được 264 dự án, nhóm dự án với diện tích 1.126,39 ha. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng diện tích thu hồi trên 131,39 ha; Ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với 5 dự án, tuy nhiên qua công tác tuyên truyền, vận động 2 dự án không phải tổ chức cưỡng chế, 3 dự án hoàn thành công tác cưỡng chế đảm bảo tuyệt đối an toàn” - Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết thêm.
 
Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công
 
Đánh giá chung, trong năm 2022, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện Đông Anh đã được tập trung quyết liệt, đảm bảo khách quan, dân chủ, công khai, công bằng, đúng quy định của pháp luật trong đó có nhiều dự án lớn, trọng điểm của Thành phố cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đề xuất với Thành phố giao đất.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, bước sang năm 2023, cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng sẽ có nguy cơ đối diện với nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại, kéo theo đó là suy thoái và các rủi ro về kinh tế. Điều đó sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là hiện nay khi huyện đang tích cực triển khai đầu tư hạ tầng công để trở thành đơn vị hành chính cấp đô thị (cấp quận).
 
Vì vậy, ngay từ thời điểm này, huyện đã tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách đảm bảo cân đối nguồn thu, tăng cường quản lý chi ngân sách đúng quy định, tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản với những giải pháp, như: Tập trung thu ngân sách ngay từ đầu năm, đặc biệt đối với nguồn thu mà huyện hưởng 100% (lệ phí trước bạ, tiền thuê mặt đất, mặt nước, thu phạt chậm nộp…).
 
Việc đẩy mạnh triển khai các Dự án đầu tư công sẽ tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Anh
 
Khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, vốn đầu tư, nguồn lực trong dân cư; Đẩy mạnh công tác đấu thấu, đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển; Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo tiến độ tập hợp nguồn thu thực hiện kế hoạch đầu tư công.
 
Trong đó, tập trung vào việc đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên tập trung nguồn lực để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Huyện ủy Đông Anh về “5 có, 3 không + Giao thông 3 cấp” và đẩy nhanh triển khai những dự án trọng điểm do Thành phố giao nhiệm vụ trong năm 2023 như lập báo cáo tiền khả thi dự án đường Vành đai 3; Rà soát, lên kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn...
 
Huyện Đông Anh sẽ có diện mạo mới trong tương lai
 
“Nhằm đẩy nhanh các dự án đầu tư công, dự án xây dựng cơ bản theo kế hoạch, trong năm 2023, huyện sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, do các đồng chí trong Thường trực làm Trưởng Ban, để lãnh đạo chỉ đạo thực hiện những công trình, dự án hạ tầng giao thông, hoàn thành việc “5 có, 3 không” tại những đơn vị được phân công phụ trách. Hằng tuần, hằng tháng tổ chức giao ban, kiểm tra tiến độ thực hiện” - Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho hay.
 
* Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025:
 
- Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất các ngành chủ yếu trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 là 10,2-10,5%. Cơ cấu các ngành kinh tế trên địa bàn huyện đến năm 2025: Dịch vụ - thương mại chiếm 14,9%; công nghiệp - xây dựng 84,31%; nông nghiệp - thủy sản 0,79%. Thu nhập bình quân/đầu người/năm hơn 85 triệu đồng. Đến năm 2025, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5.800 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước địa phương 5.000 tỷ đồng.
 
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đáp ứng các tiêu chí thành phường: 100%.
 
- Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia: 100%.      
 
- Duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. 
 
- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 95%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo hơn 85%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 94%. Số lao động được giải quyết việc làm: 9.800 người/năm…
 
- Tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng 100%; mật độ đường giao thông đô thị bằng hoặc hơn 10 km/km2. Diện tích không gian xanh đô thị: 10m2/người dân. Diện tích đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng bằng hoặc hơn 4 m2/người.

Phạm Linh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t